Dạo gần đây theo dõi một số bài viết trên group Facebook Cộng đồng Bullet Journal Việt Nam, Uyên để ý có hai luồng (cụ thể hơn là hai phong cách) bài đăng.

Một là bài đăng về những layout của tháng mới/những ý tưởng cho Bullet Journal được vẽ và trang trí cực kì xinh xẻo, chăm chút, và thậm chí là rất công phu ở dạng ảnh và video. Hai là dạng bài đăng xin tips luyện chữ, mua sổ, mua bút, mua phụ kiện blah blah để trang trí Bujo.

Còn lại, rất hiếm, hiếm lắm (trừ những bài đăng từ Admin của group ra) những bài đăng về cách sử dụng/phương pháp ghi chép mới và hiệu quả cho Bujo.

Tại sao lại như thế?

Uyên nghĩ (và khá chắc chắn) rằng, nhiều bạn vẫn chưa thực sự hiểu Bullet Journal là phương pháp ghi chép sinh ra với mục đích gì.

Để ghi chép thôi? Để sinh thêm trò để trang trí sổ tay? Vậy cớ gì đặt thêm một cái tên và sinh ra một hệ thống logic chi cho phức tạp nhỉ?

Với Uyên, một người như Ryder Carol không phải mất công thiết kế ra cả một hệ thống ghi chép chỉ để khiến người dùng tốn thêm thời gian ghi chép và không thực sự giúp ích gì được trong việc sắp xếp công việc.

Vậy thực sự thì, bản thân Uyên đã làm cách nào để Bullet Journal thật sự phát huy tối đa hiệu quả và không bị phức tạp?

1. Tìm hiểu thật kỹ về Bullet Journal trước khi thực sự bắt đầu

Một lần nữa, không có gì không học không tìm hiểu mà muốn hiểu được nó liền được. Hãy ghé trang web chính thức của Ryder Carol sáng lập tại bullletjournal.com để đọc thật kỹ khái niệm cơ bản và những bước để bắt đầu bắt tay vào áp dụng Bujo.

Còn nếu các bạn lười đọc tiếng anh, thì có thể ghé nhẹ lại bài viết này của Uyên để thị tẩm nghen 😉

Còn lại, để hiểu thật ngắn gọn và súc tích về phương pháp này, Uyên có thể tóm gọn nó trong vài dòng như thế này:

Bullet Journal là phương pháp ghi chép giúp quản lý, sắp xếp công việc theo một hệ thống được chia ra thành 3 mốc thời gian: Quá khứ – hiện tại – tương lai.

Với hệ thống trên thì bạn sẽ làm gì trong đó?

  • Dự định cho tương lai: Viết xuống những việc dự định làm trong tương lai/mục tiêu cần đạt. Đơn giản là tất cả những gì bạn cần lên kế hoạch trước. Thường sẽ là kế hoạch theo tháng/theo quý/theo năm.
  • Quản lý hiện tại: Viết xuống những việc/sự kiện cần làm ở hiện tại trong khoảng thời gan ngắn như theo tuần/theo ngày.
  • Đánh giá quá khứ: Rà lại/xem lại những việc bạn đã lên kế hoạch trước đó nhưng chưa thực hiện hay những việc đã được thực hiện. Việc đó đã được thực hiện hiệu quả hay chưa? Việc đó có đáng để bạn bỏ thêm thời gian thực hiện sau này? Nên duy trì hay loại bỏ? Việc chưa được thực hiện thì cần sắp xếp như thế nào để có thể thúc đẩy tiến độ để được hoàn thành tốt hơn?

Đại loại tóm tắt của mình chỉ có thể gọn nhất là từng đó 😀

Vậy thử nghĩ lại xem, bạn có dùng Bullet Journal để thực hiện những thứ như trên chưa nghen.

Future Log e03174e6 36b6 40c2 abb6
Một trang hệ thống Future Log cơ bản trong Bullet Journal
Nguồn: Bulletjournal.com

2. Suy nghĩ đơn giản hơn

Bullet Journal nghe tiếng anh thì có vẻ cao siêu. Nhưng dịch nôm na ra tiếng Việt thì nó là “Nhật ký gạch đầu dòng” hay “Sổ ghi chép gạch đầu dòng”.

Vâng, hệ thống này hoạt động y chang như cái tên dịch nôm ấy mà thôi. Nó hoạt động dựa trên một đống ký tự dùng để đánh dấu các gạch đầu dòng. Như này:

ý tưởng cho Bullet Journal

Những ký tự trên các bạn có thể tùy ý sử dụng làm sao bạn dễ hiểu nhất. Và dùng chúng để quản lý các đầu mục công việc của mình.

Hãy thử làm một trang ghi chép với một ví dụ nho nhỏ với Uyên, để xem nó hoạt động đơn giản như thế nào nha.

Uyên sẽ bắt đầu kẻ một trang sổ của năm 2022 theo mốc 6 tháng, và viết xuống những dự định lớn/quan trọng nhất trong từng tháng của mình, như này:

ý tưởng cho Bullet Journal

Sau đó, Uyên sẽ lên những đầu việc chi tiết cần làm trong từng tháng cụ thể. Ở trang tháng, các bạn chỉ viết những việc nổi bật của tháng cần nhớ mà thôi. Ví dụ cho tháng 01/2022:

ý tưởng cho Bullet Journal

Và cứ tương tự, nếu mục tiêu trên của Uyên có những đầu việc cần phải được thực hiện để đạt được, Uyên sẽ lần lượt fill vào trang ghi chép theo tuần, theo ngày, song song với những công việc khác.

Trong trường hợp có những ý tưởng/đầu việc chưa thực hiện được, Uyên sẽ di chuyển nó qua một thời gian khác để làm cho kịp.

Và với những việc không còn thực hiện được nữa hoặc không còn đáng để làm, Uyên sẽ gạch ngang luôn không thương tiếc.

Về cơ bản, nó sẽ hoạt động theo kiểu như minh họa trên của Uyên.

Còn về nâng cao, sẽ có những biến thể khác về cách quản lý công việc trong Bullet Journal, không chỉ dừng lại ở việc đơn thuần là quản lý công việc nữa. Phổ biến nhất có thể kể đến như:

  • Quản lý chi tiêu
  • Quản lý thói quen
  • Theo dõi cảm xúc
  • Theo dõi cân nặng/chế độ ăn/tình trạng sức khỏe

Chi tiết hơn các bạn có thể tham khảo bài “Gợi ý 11 Bullet Journal Layout dành cho bạn” của Uyên để hiểu rõ hơn nghen.

3. Viết nhiều hơn, vẽ ít lại

Ngày xưa khi mới bắt đầu, Uyên cũng là một đứa rất thích tìm những ý tưởng cho Bullet Journal để trang trí cho cuốn Bujo của mình thật lung thị linh. Uyên lùng sục tìm hiểu hết tất cả các loại dụng cụ cho Bullet Journal. Uyên tìm màu, tìm bút tìm sổ, dành hàng tiếng đồng hồ để cho ra những layout ưng ý nhất.

Nhưng đến khi công việc bục mặt, tuổi già (điêu đấy) ập đến, thì Uyên chỉ còn quan tâm là tháng đó, tuần đó, ngày đó mình cần làm gì mà không bị bỏ sót, lãng quên hay lơ đãng nữa mà thôi.

Uyên bắt đầu học cách ngồi biên những layout đơn giản nhất và hiệu quả nhất đối với bản thân, nhưng vẫn làm sao cho nó đẹp mắt và sạch sẽ nhất để không bị tụt mood mỗi lần mở sổ ra viết.

Uyên luyện chữ cho đẹp hơn, rõ hơn, để cuốn sổ của mình nhìn thật gọn gàng sạch đẹp, và thi thoảng ngựa lên để viết headline cho đầu sổ mà thôi hehe.

Nhưng tối giản không đồng nghĩa với việc là bạn phải vứt bỏ hết dụng cụ đẹp đẽ đi, không vẽ vời nữa. Mà tối giản ở đây, là tối giản trong cách ghi chép, tối giản trong suy nghĩ, tối giản trong cách bạn sắp xếp đầu óc công việc trong cuốn sổ.

Hãy cố gắng viết xuống nhiều hơn. Bạn có thể tạo riêng một trang chỉ để viết xuống những suy nghĩ, ý tưởng bất chợt trong đầu. Hoặc một trang viết xuống những điều bạn trân trọng hằng ngày. Bất cứ thứ gì. Vì không phải lúc nào Bullet Journal cũng cần phải bó buộc trong những khung layout nhàm chán.

Và thi thoảng màu mè hoa hè cũng tốt, nhưng hãy nhớ là, thi thoảng thôi, nha! 🙂

ý tưởng dành cho Bullet Journal
Một trang màu mè hiếm hoi của Uyên đợt tháng 02 vừa qua ;))

4. Bớt xem Pinterest về layout Bullet Journal và đọc blog nhiều hơn

Không phải quảng cáo cho blog của mình trá hình đâu hị hị. Cơ mà thật sự đó là cách mà Uyên bớt phức tạp hóa và thần thánh hóa Bullet Journal.

Uyên rất thích đọc những blog Bullet Journal viết về những cách ghi chép mới, hiệu quả để bổ sung vào hệ thống Bujo của những bạn khác. Hoặc những bài về những ý tưởng cho Bullet Journal để cải thiện việc sắp xếp/ghi chép với hệ thống này.

Các bạn có thể tham khảo qua những list blog hay viết về Bujo từ cơ bản đến chuyên sâu Uyên có biên ở bài này để mở rộng thêm nghen.

Còn về phía Pinterest, Uyên thỉnh thoảng vẫn lên lướt để có thêm cảm hứng và ý tưởng cho Bullet Journal, và để ngía thêm những layout/cách trình bày mới và thú vị hơn của những bạn khác.

Yup! Và đó là tất cả những gì Uyên đã, đang và sẽ tiếp tục áp dụng để khiến cuộc sống nói chung và việc ghi chép với Bullet Journal nói riêng được đơn giản và hiệu quả nhất. Còn các bạn thì sao? Kể Uyên nghe với hen.

Chúc các bạn Bullet Journal thiệt vui! xD

Leave a Reply