*Bài viết có chứa một số link affiliate màu xanh, khi bạn nhấp vào và mua hàng qua link, đồng nghĩa với việc bạn sẽ ủng hộ Uyên một phần nho nhỏ để có thể duy trì blog trong thời gian tới. Nếu bạn cảm thấy thông tin hay ho và bổ ích, hãy mời Uyên một ly nước ép cam cà rốt bằng việc mua hàng qua link trong bài nhé, dear! <3
James A. Michener
Uyên quyết định James là crush kiếp trước của Uyên ngay sau khi Uyên đọc xong Sáu người đi khắp thế gian của ông. James là một tiểu thuyết gia, một nhà từ thiện, một nhà văn, là tác giả của hơn 40 đầu sách.
Tác phầm của James chất chứa sự khao khát tìm kiếm những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống tâm hồn của những con người bình thường khắp mọi miền địa lý, và đặc biệt nhất là tính sự kiện lịch sử đậm đà thể hiện trong từng ngóc ngách câu chuyện.
Văn của James thể hiện đúng tinh thần của một kẻ lữ hành luôn khao khát len lỏi vào hơi thở văn hóa của từng nơi chốn đi qua, để rồi đem lại cho người đọc sự thôi thúc và ham muốn được là một phần trong nó.
Dù chưa ai gọi James là một nhà văn du kí lữ hành, nhưng với Uyên James hoàn toàn đánh gục tâm hồn của những kẻ du hành thực thụ ngoài kia, không chỉ bằng những chuyến đi, mà còn là bằng những câu chuyện chân thật đầy chất văn hóa trong những chuyến đi đó.
Nguyên Phong

Nếu ai chưa biết về giáo sư John Vu, hay còn có bút danh là Nguyên Phong, các bạn nên google ngay và liền con người kiệt xuất này. Nguyên Phong không phải là một nhà văn chính thống hay một tiểu thuyết gia, ông được người Việt Nam biết đến với vai trò là dịch giả cho những tác phẩm nước ngoài về tôn giáo và văn hóa nổi tiếng như Trở về từ xứ tuyết, Bên rặng Tuyết Sơn, Đường mây qua xứ tuyết, Minh triết trong đời sống, Ngọc sáng trong hoa sen, và tác phẩm được dịch nổi tiếng nhất từ ông: Hành trình về Phương Đông.
Uyên chưa ngưỡng mộ ai như Nguyên Phong, bởi ông quá giỏi và quá xuất chúng, các bạn có thể đọc profile siêu khủng của ông ở đây. Nguyên Phong có một lối dịch và văn phong cực kỳ tinh tế, hiếm có ai có thể dịch được những tác phẩm về tôn giáo và văn hóa với lượng kiến thức hàn lâm và chuyên môn một cách đi vào lòng người dễ dàng như Nguyên Phong.
Một số tác phẩm dịch của ông khá khó nuốt bởi số lượng kiến thức quá ngồn ngộn, nhưng nếu kiên trì đọc sâu, người đọc sẽ thấm nhuần từng câu chữ mà Nguyên Phong biến hóa tài tình trong các tác phẩm dịch của mình.
Jack London
Để nói về Jack London thì chắc khó có ngôn từ nào có thể kể hết được mức độ ảnh hưởng và truyền cảm hứng lớn lao của Jack đối với Uyên nói chung và bạn đọc toàn thế giới nói riêng.
Jack London sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh tuổi thơ không mấy êm đềm, cả cuộc đời của Jack là một trang sử phiêu lưu, nhưng cũng chính nhờ những điều này, những tác phẩm của ông đều rất đỗi chân thực và thu hút một cách kỳ lạ.
Tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp của ông “Tiếng gọi nơi hoang dã” cũng là tác phẩm đầu tiên Uyên biết tới Jack London, cũng là tác phẩm thể hiện rõ nhất và trần trụi nhất khoảng thời gian nhiều biến động nhất trong cuộc đời của ông, khoảng thời gian lăn lội ở Alaska với mong ước đổi đời với “cơn sốt vàng“.
Điều Uyên yêu thích nhất trong các tác phẩm của Jack London là cách ông dùng thiên nhiên và vạn vật xung quanh để nói lên tiếng lòng của mình, hiếm ai có thể có một con mắt quan sát tinh tường và sự kết nối mạnh mẽ giữa thiên nhiên và con người đến thế như Jack London. Mọi người có thể tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời của Jack London qua bài báo dịch rất hay Uyên đọc được trên trang cand.com ở đây.
Allen Ginsberg

Uyên có một lời tự thú: Allen Ginsberg là spirit animal (linh thú) của Uyên. Không phải bởi vì tất cả những gì Allen Ginsberg làm đều giống như Uyên làm và nghĩ, mà bởi vì Allen Ginsberg đại diện cho những gì tận sâu bên trong bản thân Uyên muốn hướng tới.
“Sau này, nếu có nhà lịch sử hay tiểu sử nào muốn biết một thiên tài nghĩ gì lúc còn trẻ thì đây là một cứ liệu hữu ích. Tôi sẽ trở thành thiên tài, không lĩnh vực này thì lĩnh vực khác, nhưng có lẽ sẽ là văn học. Nếu không trở thành thiên tài, tôi sẽ là kẻ tự kỷ, coi mình là trung tâm hoặc một bệnh nhân tâm thần phân liệt. Nhưng hai khả năng đầu dễ xảy ra hơn”. Allen Ginsberg đã viết trong nhật kí của mình như vậy khi ông mới 14 tuổi. Uyên cũng sẽ viết như vậy ở độ tuổi đó, chỉ có điều Uyên sẽ đổi chữ “văn học” thành “âm nhạc” (hơi lố).
Uyên biết đến Allen Ginsberg qua phong trào Beat hay Beat Generation (thế hệ beat) khi vẫn còn lang thang mò mẫm tìm hiểu về nhân quyền, thế giới hippie và nghệ thuật những năm 60, 70. Allen Ginsberg là thủ lĩnh của phong trào này cùng với hai người chủ chốt nữa là Jack Kerouac và William Burroughs.
Ba nhân vật này đều là tác giả của những tác phẩm văn học thơ ca nổi tiếng được thế giới biết đến rộng rãi và có tầm ảnh hưởng rất lớn đặc biệt tới thế hệ trẻ của những năm 60 cho đến tận ngày nay như Tiếng Tru (Howl and other poems) bởi Allen Ginsberg, Trên đường (on the road) của Jack Kerouac, và Naked Lunch (Bữa trưa trần trụi) của William S. Burroughs – cuốn sách hiện tượng gây tranh cãi nhất và là tác phẩm được xem là khó đọc nhất của ông.
Stephen King
Stephen King là tác giả đầu tiên đưa Uyên tới với niềm đam mê khám phá thế giới văn học một cách nghiêm túc và là người khiến Uyên chìm đắm trong thể loại kinh dị giả tưởng ở cả văn học lẫn điện ảnh, đây cũng là một trong những niềm cảm hứng to lớn của Uyên trong nghệ thuật. Những cốt truyện kinh dị và lối viết đa dạng của King đã giúp giới phê bình chấp nhận thể loại kinh dị giả tưởng là một thành phần của nền văn học trong thế kỷ 20.
Tác phẩm đầu tiên Uyên đọc từ Stephen King là cuốn “Just after sunset” (Ngay sau hoàng hôn), rất tiếc bây giờ đã ngưng phát hành. Dấu ấn của cuốn sách để lại quá lớn khiến Uyên không thể nào cưỡng nổi mỗi lần đọc thêm một tác phẩm khác hay xem một bộ phim được chuyển thể từ truyện của Stephen.
Khá tiếc vì hiện tại ở Việt Nam các tác phẩm được dịch sang tiếng việt của Stephen King chỉ còn mỗi Tên sát nhân Mercedes và IT (bản tiếng anh) là các bạn có thể tìm mua dễ dàng, còn lại những tác phẩm nổi tiếng khác của ông vẫn chưa được xuất bản ở Việt Nam.
Agatha Christie

Chắc Uyên không phải nói quá nhiều về nữ hoàng trinh thám đình đám nhất thế giới này rồi. Uyên đã từng là một con mọt sách trinh thám chính hiệu, mà trong đó Agatha Christie là người đã đưa đường dẫn lối Uyên vào cái thế giới vừa tăm tối, đau não, đầy tính kịch trong từng câu chữ của bà.
Hai tác phẩm đầu tiên đưa Uyên đến với Agatha Christie và cũng là hai tác phẩm dường như thành công nhất của bà là Mười người da đen nhỏ và Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông. Bạn sẽ phải mê mẩn, ngấu nghiên từng trang sách mà Agatha Christie tạo ra, nếu không, Uyên xin mời bạn một ly cà phê nếu chúng mình có cơ duyên gặp nhau 🙂
Sydney Sheldon
Đã có nữ hoàng thì phải có vua, và đây, ông vua trinh thám của toàn thế giới cũng như ông vua trinh thám trong lòng Uyên: Sydney Sheldon. Sydney là người có ảnh hưởng gần như lớn nhất tới thế giới tâm hồn của Uyên trong suốt quãng thời gian từ khi Uyên đang còn là một con bé học sinh cấp hai khuyết nửa tâm hồn cho tới tận bây giờ.
Truyện của Sydney vừa dễ đọc vừa không dễ đọc, vừa mang tính giải trí vừa mang tính hàn lâm văn hóa, vừa dễ tả vừa khó thốt thành lời.
Uyên nhớ mãi cái cảm giác khi Uyên vừa đọc xong Nếu còn có ngày mai, Uyên đã khóc một cách ngon lành và tự hỏi rằng tại sao lại có một giọng văn viết về trinh thám mà cảm động chạm đến lòng người đến thế. Uyên nghĩ Uyên sẽ không phải là người duy nhất có suy nghĩ như vậy khi đọc tác phẩm này cũng như rất rất nhiều tác phẩm tuyệt vời khác của Sydney Sheldon. Yes, I feel you Sydney!
Leave a Reply