“There’s a sunrise and sunset every day
You can choose to be there for it
You can put yourself in the way of beauty”
Đó là ba dòng Uyên để lại cho Andante trong cuốn sổ da được thêu tay cẩn mỉ, nhân một chuyến đi mà ở đó Uyên chọn có mặt ở một nơi ngập nắng và tình yêu, thay vì bốn bức tường trắng chán ngắt vào một đêm tiết trời se lạnh tháng 8.
Trở lại Andante sau một năm có lẻ. Cảm xúc vẫn vậy. Vẫn háo hức, vẫn hân hoan, vẫn bối rối cùng cực, bởi cái đẹp chân sơ chừng như dễ kiếm giữa mảnh đất Lâm Đồng núi non.
Uyên ít khi dám đặt tay xuống viết về một vùng đất mà, ở đó, Uyên chỉ muốn ích kỷ giữ nó cho riêng mình, không muốn ai thị phạm, để chỉ mỗi cảm xúc của mình được trọn vẹn.
Nhưng Andante thì khác. Andante cho Uyên cảm giác khát khao được dùng ngôn từ để ôm trọn cái vẻ đẹp của nó. Dù khó, rất khó để có thể gói gọn vẻ đẹp này chỉ trong những cụm từ ngắn ngủi.

“Trại”, là cái tên thân thương mà các anh chị ở và các bạn mộc mạc dành đặt cho Andante. Trại nằm lọt thỏm giữa một cánh rừng không tên ở phía Bắc trung tâm thành phố Đà Lạt, nơi phải mất đến hơn năm dòng chỉ dẫn dài dằng dặc từ Trại mới có dấu hiệu của việc không lạc lối, nơi mà chỉ cần thấy sóng điện thoại không còn xuất hiện nổi một vạch nữa mới biết đã thực sự đến đúng chỗ.

Uyên nhớ lần đầu đặt chân đến Andante, Uyên gần như mất hết khả năng giao tiếp bằng ngôn từ. Ngay từ những đoạn đường đầu tiên trên đường vào trại, Uyên đã bắt đầu có dấu hiệu của căn bệnh nan y: Lịm từ trước thiên nhiên. Nhưng lạ rằng, chưa bao giờ Uyên cảm thấy kết nối với bản năng của mình một cách mạnh mẽ như khi giữ bản thân mình im lặng đến như vậy.
Có những thứ cảm xúc ngôn từ không thể làm được. Dù bản thân có cố gắng tìm cách diễn tả đến thế nào, thì cảm xúc đó vẫn nên ở lại nguyên vị trí mà nó bắt đầu, chỉ ở bên trong mà thôi, càng cố giải đáp lại càng bối rối.
Lần đầu tiên Uyên cảm thấy được điều này một cách rõ rệt và chân thực nhất là cách đây hơn 2 năm. Trong chuyến đi điên rồ của tuổi trẻ kéo dài gần 3 tháng, đơn độc, đầy những kỉ niệm hưng phấn, cho đến cuối chặng đường, khi đặt chân được tới miền đất bản thân vẫn hằng ao ước được tới, đứng trước cảnh tượng núi non hùng vĩ, một nơi đẹp đến nghẹt thở, Uyên đã không thể thốt lên được một lời nào, ngoài những giọt nước mắt lạ kỳ chảy xuống gò má nhuốm đầy bụi và rin rít mồ hôi. Đó là khoảnh khắc Uyên như được sống nhất, và là chính mình nhất.
Cảm xúc đó bây giờ lại quay lại và nằm gọn gàng ở Andante, điều mà Uyên không ngờ bản thân sẽ lại có được trong cái vòng quay cuộc sống hiện tại của mình. Và cho đến khi đã thực sự ngồi ở đây, hít hà cái không khí trong veo, mùi khói của củi thông cháy sém, rót vào tai tiếng suối chảy ngang những căn cabin, vuốt ve bộ lông mềm mại của mấy con cún lười, Uyên mới nhận ra rằng, những cảm xúc đó chẳng đi đâu xa khó tìm, chúng cứ luôn nằm âm ỉ đâu đó trong bản thân, và chỉ chờ chực xuất hiện vào đúng thời điểm bản thân cần mà thôi.











Đến với Trại lần thứ 2, lý do to lớn nhất vẫn là những con người tại mảnh rừng này. Chị Lê, anh Bình, các bạn trại Viên, những linh hồn của Trại, những người biến một mảnh đất khô khan thành một nơi có sức mạnh nói dùm tiếng lòng của những con người xa lạ vãng lai tới đây, không quen biết trở thành tri kỉ.
Uyên mạn phép được trích lại một bài viết mà Uyên rất thích từ chị Lê, giọng văn yêu thích của Uyên với tư cách là một người không phải là nhà văn cho tới thời điểm hiện tại. Đây là những dòng mà Uyên cảm thấy, đúng với những gì mà Trại và chị đang hướng tới, cũng là những gì mà Uyên đoán, hầu hết những ai đã đặt chân tới đây, đều tìm thấy bản thân trong đó.
To live our authentic self
– By Andante
(Cho những bạn thân hay bạn mới quen của Andante, những người đã bỏ thời gian để mình cùng trò chuyện với nhau, tâm tình và chia sẻ…
Với nhiều yêu mến & lòng biết ơn).
…
Như là một ‘tập tục’, các bạn gửi tin nhắn đến Andante, trước khi được mời đến trại, đều được hỏi han vài điều… Trò chuyện kiểu này, có nhiều bạn vui, không ít bạn cởi mở mở lòng, cũng có bạn khó chịu, bực bõ… Và cũng không ít những tin nhắn dài qua lại với nhau, dẫn đến một tình thân, rồi khiến Andante trở thành như ‘nhà’ của các bạn… Nhưng thôi, đây là một câu chuyện khác.
Những cuộc đối thoại cho mình biết thêm về phần đời của người mình cùng trò chuyện, về những thứ thuộc về họ mà ta không bao giờ có thể biết được, hoặc chỉ biết một cách rất thản nhiên, nông cạn… Họ vị tha, rộng lượng, tế nhị hay hẹp hòi, cố chấp; họ cũng có khi là sự giản dị mà lịch duyệt; họ là đời sống cô đọng, là những trang đời sống động, không chính thống nhưng lôi cuốn, dễ cảm, gần gụi…
Cũng có khi mình gặp vô số những nỗi buồn. Ở mỗi gương mặt non trẻ đã tiềm tàng những nếp nhăn, ở mỗi nụ cười đều ẩn giấu sẵn sự mệt mỏi và ở mỗi ước mơ đều chứa đựng sẵn sự thất vọng…
Mình luôn bị lôi cuốn bởi những cuộc đối thoại sâu sắc – ngoài đời hay trên trang sách, luôn luôn muốn biết con người đã sống, yêu thương, đau khổ… như thế nào qua những biến cố của đời sống, của thời cuộc…
…
Nhớ ngày xưa, đọc Françoise Sagan, thấy bà từng nói rằng: ‘The questions I would have liked to ask people when we met first were: Are you in love?, What are you reading?’… Mình bây giờ cũng thế. Gặp một người, trò chuyện với nhau, mình cũng muốn hỏi như vậy, nhưng chỉ (dám) dùng câu thứ hai, và thường thì (kềm lại được) không hỏi câu thứ nhất!
Hỏi về sách, trong thời đại bây giờ, rất nhiều khi dường như đã là một sự lạc loài. Mình nói sách, mà nhiều bạn cứ nghĩ, sách chỉ là sách giáo khoa, sách nữ công gia chánh hay loại ‘chicken soup’…
Đối thoại về sự đọc, đã chuệch choạc thế; hỏi nhau về tình yêu, thì có lẽ lại càng điên hơn!
…
Mình có đọc ở đâu đấy, rằng cuộc cách mạng công nghệ ngày nay khiến cho con người được giao tiếp với nhau qua nhiều kênh, đa phương tiện. Mặt trái của nó, như mình thấy, là những khuôn mẫu giống hệt nhau, trong những xã hội chỉ khuyến khích tiêu thụ, cũng giống hệt nhau!
Có lẽ đấy là lý do vì sao, chúng ta vẫn cảm giác bất an giữa thành phố quen thuộc. Sau những hào nhoáng của đời sống, ta phòng ngự và cô đơn…

Cám ơn Trại vì những điều thật yên.
Và cám ơn người “Yên”, đã cho Uyên cảm hứng để viết nốt những dòng này về Andante.
Leave a Reply