Những ngày này Hà Nội tính khí thất thường. Lạnh vào sáng sớm và tối muộn trong khi quãng thời gian còn lại thì nóng bức. Thi thoảng có cơn mưa, mà không phải mưa nặng hạt. Mưa chỉ phùn, mưa bay bay, mưa táp vào tóc vào da vào tay vào mặt. Bước ra khỏi nhà để đầu trần đội mũ bảo hiểm không mặc áo mưa, đi hết một vòng phố trở về thì mưa cũng vừa tạnh hẳn.

Những ngày Hà Nội này mình thường đi làm về muộn. 7h, 8h hay 9h tối không biết. Tuổi trẻ lũ sinh viên vừa ra trường có ai mà không ham việc, có ai mà không ưng bụng cống hiến.
Mình phóng vèo vèo trên đường từ công ty về. Những hôm nào gió mùa về rét buốt hai bàn tay lái xe co ro, trên người chỉ mặc độc chiếc áo phông từ sáng, đông giá quật thẳng vào người.
Loay hoay vài nơi, tối muộn mình mới gần về tới nhà. Bụng đói meo. Mình tìm một quán cóc, ghé mắt thèm một gánh hàng rong.
Hà Nội này, thứ không cần mà bất chợt trông thấy đi ngang nhiều nhất là hàng rong. Thứ đang cần mà đi tới đi lui tìm hoài không thấy cũng lại là hàng rong nốt.
Mình loay hoay vòng đi vòng lại mấy con đường, dạo đi dạo lại mấy chỗ quen, rốt cùng cũng bắt gặp một tiếng rao ngóng đợi – BÁNH KHÚC

Bạn mình hỏi, tại sao lại là bánh khúc? Tại sao giữa bánh mì, cơm cháo phở đầy đủ bày sẵn thế kia mà mình phải lòng vòng đi nát con đường chỉ vì một xâu bánh khúc? Mình không biết, mình không trả lời được. Tự dưng, mình cũng thấy buồn cười. Tự dưng, mình cũng muốn hỏi mình.
Ngày xưa, thời còn ở nhà, một vài bận nào buổi sáng cuối tuần nghỉ học, mình thường được mua về cho gói bánh khúc nếu mẹ đi chợ sớm, và trên đường gặp tiếng rao qua.
Đêm đêm đến gần sáng, khắp mọi con phố Hà Nội vẫn âm ỉ tiếng rao “xôi lạc bánh khúc đây”. Tiếng loa rè, tiếng gió ngang qua ngõ, tiếng cười nói náo huyên lạc trong âm tĩnh mịch của đêm Hà Nội phong sương, thi thoảng ngày còn ở ký túc trường, lũ chúng mình vẫn cười ré lên vì tiếng rao thường xuyên bị nghe nhầm thành “tôi là bánh khúc đây” mà băn khoăn mãi không thôi.
Trên thực tế, bánh khúc, hay còn được người ta còn gọi là xôi khúc. Loại bánh này dẻo quẹo, hợp rơ với đứa ghiền đồ nếp như mình. Bên ngoài một lớp áo xôi đồ trắng. Bên trong lá khúc hông lên ghiền nát, quyện hoà với đỗ xanh, thịt lợn nửa nạc nửa mỡ ăn vừa béo lại vừa bùi. Rắc đều thêm một lớp lạc vừng giã nhỏ mằn mặn. Gói bánh khúc tí teo, nóng hôi hổi, cầm lọt trong lòng bàn tay nắm chặt. Đêm Hà Nội ngày gió mùa về, thấy lòng cũng ấm như làn hơi bánh khúc đang nghi ngút bốc lên giữa hai kẽ tay khẽ mở.

Ngày còn ở quê, mẹ mình từng bảo bánh khúc chẳng đâu ngon bằng Hà Nội – Cái món dân dã Hà thành mỗi đêm người ta rao đầy khắp đèn đường ngõ lối. Nhưng kì thực bánh khúc Hà Nội chẳng phải chỗ nào cũng ngon. Mình từng ăn nhiều nơi. Khi là gánh hàng rong buổi tối, khi là quán xá biển hiệu gia truyền, lúc thì nhà hàng đặc sản. Nhưng không phải chỗ nào nếp cũng được dẻo, đỗ cũng được tươi, và đặc biệt là lá khúc được quyện, được nhuyễn, được còn nguyên thứ mùi ngai ngái của non sơ quê miền.
Mình có một người chú làm bên du lịch, mỗi lần có đối tác từ miền khác ra Hà Nội công tác, đi ngang phố cổ kiểu gì chú cũng phải ghé vào hàng bánh khúc gia truyền mua cho người ta ăn thử. Kỳ thực đất thủ đô có lắm nhà bánh khúc gia truyền. Nổi tiếng nhất là bánh khúc Quân và bánh khúc Cô Lan. Nhưng cũng không thiếu những hàng rong đêm đêm người ta đạp xe đi rao khắp mọi hang cùng ngõ hẻm.
Mình không nghĩ rằng bánh khúc là một thức quà “must-try” khi một ai tới Hà Nội. Bởi lẽ đặc sản Hà Nội còn hàng chục hàng trăm thứ khác ngon lành và độc đáo hơn. Tuy nhiên với những ai thực sự du lịch để trải nghiệm, muốn khám phá ẩm thực và văn hóa Hà thành từ những miền xưa, thì lại không gì rẻ, ngon và hút lòng như bánh khúc.

Cuối cùng, dẫu có thưởng thức trăm nơi ngàn chốn, vẫn không đâu ngon bằng gói khúc năm nghìn mỗi bận ngồi nhà ngóng chợ mẹ qua.
Leave a Reply