Uyên đứng sừng sững ngay trước bến xe Hội An, mặt đang kiểu hào hứng sắp tản bộ về phía chỉ đường nơi chiếc homestay đã book có thể sẽ chỉ còn cách vài sải chân, thì bất thình lình một bác xe ôm (lại một bác xe ôm) nữa xuất hiện, miệng liến thoắng “mô tô bai mô tô bai?”. Mình lẩm bẩm trong đầu bảo kiếp trước không biết có phải là người tình trăm năm của bác xe ôm nào rơi rụng vô tình ở cái đất xứ Quảng này không?

IMG 0086 1

Uyên không chần chừ mà tạt ngay lại “Không bác ơi con người Việt, con đi bộ thôi”, lạnh lùng bước tiếp, lần này bước theo kiểu bị mèo vồ ngày bé, không cho phép thêm một xe-ôm-ngoài-hành-tinh nào xâm nhập vào lãnh địa một lần nữa.

Uyên dừng trước một chiếc homestay màu trắng bé bé xinh xinh sau 5 phút tản bộ, trong một giây sững lại, Uyên thấy có gì đó rất sai, chiếc homestay này quá fancy so với những gì Uyên được thấy trong ảnh, nghi ngờ có biến, Uyên lục ngay điện thoại ra check lại địa chỉ một lần nữa cho chắc ăn, thì ôi thôi, địa chỉ của homestay này là số 50, là số chẵn, còn Uyên đang đứng trước số 51, LÀ SỐ LẺ, NẰM TRÊN CÙNG MỘT CON ĐƯỜNG, bay vào hỏi một chú đang đứng tưới cây trong đó thì mới biết: SỐ 50 VÀ SỐ 51 TRÊN ĐƯỜNG NÀY CÁCH NHAU 2KM! Ngu tập 2!

Uyên câm lặng quay đi trong tủi nhục thêm một lần nữa, đánh bộ thêm 2km, vừa nóng vừa mệt vừa tức vừa bỏng rát vì đôi xăng đan mới tinh cà nát gót chân. Sau 2km “ngắn ngủi”, Uyên đã lê được đít tới chiếc homestay của sự vinh quang mà Uyên phải đánh đổi bằng sự ngu dốt vô biên giới. Trước chuyến đi xám xịt này, Uyên đã dặn lòng và chốt một cái deal trước mắt với Hội An (khá là trẻ trâu): Đi bằng hết 3 làng nghề đất Hội!

Điều đầu tiên sau khi check-in lấy phòng Uyên làm đó là chọn ngay một em xe đạp tốt nhất khỏe nhất trong hàng tá những em nằm ngoài sân phơi nắng của homestay, homestay Uyên ở có free xe đạp bonus thêm cô chủ siêu siêu dễ thương hỏi gì cũng biết ở Hội An. Sau khi tắm táp xong xuôi, Uyên xúng xính dong xe bắt đầu hành trình thực hiện thỏa thuận giữa Uyên và Hội An.      

Theo như sự chỉ dẫn không đầu không cuối của bạn map trên con iphone 4 cùi bắp, Uyên đạp hào hứng về phía làng gốm Thanh Hà – làng gốm tồn tại ở Hội An từ thế kỉ 15 đến nay, cũng là nơi tạo ra tất cả những con vật gốm nung nhỏ nhỏ xinh xinh mà nếu ai từng đến Hội An đều thấy khắp nơi, từ sạp lưu niệm ven đường cho tới những cửa tiệm hoành tráng.

Lúc Uyên tới nơi là lúc hầu như rất ít khách tới thăm, chỉ thấy bóng dáng lẻ tẻ một vài người đi ra đi vào, bụng nghĩ không lẽ chỗ này chán đến thế? Xong vẫn tặc lưỡi mua vé hết 15 ngàn, tung tăng đi sâu vào cổng. Men theo một đoạn đường ngoằn ngoèo hai bên đắp bằng gạch nung đúng kiểu một ngôi làng điển hình, Uyên tìm đến căn nhà đầu tiên trong vô vàn những căn nhà của các hộ làm gốm – nhà của chú Diên. Chú là con người dễ thương nhất (thứ hai) mà Uyên được gặp ở Hội An. Vì là người duy nhất tới thăm nhà chú, Uyên được chú tiếp đãi không thể nồng hậu hơn, chú kéo Uyên xuống ngồi cho học nặn từng tí một những con vật được uốn miết bằng đất dẻo phù sa.

Vừa vọc tay vào cái chất dẻo mềm vo vo nặn nặn, Uyên và chú vừa nói chuyện rôm rả về cái xứ miền Trung nắng gió. Uyên nói với chú Uyên cũng là dân miền Trung, mặc dù một nửa dòng máu Uyên là dân Sài Gòn, nhưng đi đâu Uyên cũng coi mình là dân miền Trung quê Bác chính hiệu, mặc cho cái tôi to đoảng của dân xứ quê Uyên cứ đi đâu xa là không dám nhận gốc gác con cháu Bác Hồ. Cũng buồn vì cái định kiến đèo bòng trên lưng là “dân Nghệ”, đi đến đâu người ta tránh đến đấy, vẫn được mác cần cù học giỏi nhưng cái số đấy người ta không quan tâm bằng cái số người gian trá lừa lọc.

Con người vẫn vậy, một điều tốt không bằng 9 điều xấu, mãi mãi là khó chữa. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ Uyên và chú chém hết chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện nhỏ đến chuyện to, từ chuyện Vinh là thành phố thuộc tỉnh Nghệ An (xin nhắc lại Vinh là thành phố trực thuộc tỉnh Nghệ An, không phải là hai nơi chốn khác biệt) đến chuyện người dân xứ Hội nơi đây chấp nhận hy sinh gần cả cuộc đời sống trong những căn nhà gạch nung đỏ không máy lạnh điều hòa chỉ để bảo tồn nét đẹp văn hóa cổ của Hội An, để vẫn ngồi ngay tại lò nung 100 độ cầm tay dẫn dắt những thế hệ sau nối tiếp truyền thống của làng gốm Thanh Hà. Chém hết từng đó chuyện nhưng Uyên vẫn chưa xử xong em lợn (chắc là lợn) mà chú Diên chỉ dẫn nhào nặn cách đây 2 tiếng đồng hồ, trong khi mình vật lộn với em lợn đầu tiên thì chú đã xử xong 4 em.  

Sau khi phủi mông đứng dậy trong đau đớn vì ngồi lọ mọ với em lợn nung suốt 2 tiếng đồng hồ thì chú Diên lên tiếng hỏi Uyên một câu hỏi (câu hỏi cool ngầu nhất thế gian): “con muốn đi cùng chú qua Công viên đất nung chơi với mấy anh chị bên đó hông?”.

MỘT ĐỀ NGHỊ TUYỆT VỜI NHẤT QUẢ ĐẤT. Tại sao? Vì mình sẽ là vị khách du lịch đầu tiên được đặt chân vào Công viên đất nung lớn nhất Việt Nam for free! (đấy là theo lời chú Diên nói). Công viên đất nung này được một anh kiến trúc sư người Hội An tên Nguyên thiết kế, là công viên đất nung được đầu tư nhất, lớn nhất và “độc nhất” Việt Nam.

Đây có lẽ là bảo tàng về đất nung gốm sứ thú vị nhất mình từng đến ở Việt Nam, lại càng cảm giác đặc biệt hơn khi được dẫn đi xem từng ngóc ngách của nó bởi một người cực kỳ am hiểu về gốm, kể cả những căn phòng chưa hoàn thành và chưa có ai từng đi vào. Tham quan chán chê, chú Diên còn đưa Uyên ra chào hỏi làm quen mấy anh chị làm trong công viên, bảo tao mới nhận nuôi thêm đứa con gái, có đứa nào hốt hem. Mình nghĩ chứ thằng nào ở đây mà hốt phải mình thì ôm hận cả đời.

Sau cuộc trò chuyện và tham quan đầy rẫy bất ngờ và thú vị cùng Ba Diên (sau một hồi cưa kèo với mấy anh chị trong công viên thì chú đã bắt mình gọi bằng ba), ôm chào thắm thiết hẹn ngày gặp lại, Uyên lại dong xe tiếp tục lên đường tìm về làng nghề tiếp theo – Làng rau Trà Quế và làng mộc Kim Bồng.

Thực ra Uyên đã tính nhấn phím enter ngay từ chữ Quế để bắt đầu một câu chuyện riêng về làng nghề này, nhưng sau đó 2 giây đã quyết định nhấn back trở lại và gõ thêm 5 chữ “và làng mộc Kim Bồng”. Tại sao? Vì đơn giản thời điểm đặt chân đến cả 2 làng nghề này là cả một sự thất vọng nặng nề, nói đúng hơn đó là một nỗi buồn khó tả.

Hai làng nghề này với khách du lịch từng là hai điểm rất nổi tiếng, nổi tiếng vì những tour cooking class tại làng rau giới thiệu cho du khách nước ngoài về những loại rau tươi ngon nhất của xứ Hội, là làng rau cung cấp cho Hội An những thứ rau quả tươi ngon nhất để làm nên một bát mỳ Quảng tuyệt vời; nổi tiếng vì những nghệ nhân làm mộc tinh xảo bậc nhất Hội An, thế mà thời điểm đó, ngay giữa mùa cao điểm du lịch lại chẳng có lấy một bóng người tới thăm. Làng rau lơ thơ trọi lá, làng mộc lèo tèo vài ba gian hàng lưu niệm, xung quanh lác đác những nhà dân làm mộc lâu đời, đâu đó vài bước chân thêm vài ba cô già đi mời mua chuối chín cho khách du lịch, cảnh tượng ấy sao mà buồn đến lạ lùng.

Uyên vẫn sẽ tự trấn an mình rằng đây là những sự thật buồn bã trần trụi mà Uyên sẽ phải đối mặt và chứng kiến trong suốt 2 tháng tới, và dù sao đi chăng nữa, Uyên đã quét dọn sạch sẽ và phủi bụi tất cả những kì vọng viễn cảnh tươi đẹp trong chặng đường này, Uyên sẽ không buồn, Uyên chỉ cần nhìn ngắm và làm một điều gì đó, để hành trình này trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết.

Ngày thứ hai ở Hội An, Uyên quyết định xả một hơi thật dài, dậy thật sớm, chạy rục rịch xuống tám chuyện với cô chủ homestay và thưởng thức món trứng cuộn ngon đến lạ lùng cô làm. Xong xuôi, Uyên lại dong xe đạp thẳng về An Bàng, tự thưởng cho mình một ngày dài ở biển sau ngày đầu hoạt động quá năng suất.

An Bàng ngày này đông một cách khủng khiếp (vẫn không đông bằng Cửa Lò quê Uyên ngày lễ), nhưng Uyên vẫn quyết định chen vào để có một slot nhằm thỏa mãn cơn thèm biển và gió, lăng xăng dắt xe vào gửi, thì chợt nhận ra là gửi xe thì chắc chắn mất phí, mà hình như lúc ra đi trong túi chỉ đựng mỗi khăn, đồ bơi, kem chống nắng và điện thoại, không hề đem ví (ngu tập n). Uyên tặc lưỡi, kệ, sẽ có cách, vì dù sao thì bây giờ cũng chẳng quay về được (đạp tới 7 cây số để tới đây rồi).  

Loanh quanh tìm được một góc đẹp để an tọa, Uyên ổn định đồ đạc, nằm sóng soài hưởng nắng cát gió biển, đang liu riu thì chợt một giọng nói cất lên đầy mơ hồ vang vọng bên tai “Have you seen any jelly fishes around here?”, ngẩng mặt lên thì thấy một anh chàng to cao, với vẻ mặt đang vừa kiểu thắc mắc vừa kiểu bối rối đứng ngay cạnh chỗ mình.

Lúc đó mình cảm thấy còn bối rối hơn hắn ta, tự hỏi chui đâu ra tên này. “Nah sorry I even haven’t been in the water yet, but I don’t think there’s any jelly fishes around here” mình đáp. Rồi hắn ta tiếp tục đoạn hội thoại bằng câu chuyện luyên thuyên rằng hắn ta vừa bơi xong và nghĩ là bị sứa cắn blah blah. Mình thì nghĩ trong đầu rằng biển ở khu vực dưới này thì lấy đâu ra sứa, mà sứa nếu có cũng chẳng thể có vào cái mùa nắng cực tháng 6 này được.

Thế là cuộc hội thoại ấy kéo dài tới 1 tiếng đồng hồ, làm gián đoạn cả công cuộc hưởng biển của Uyên cả ngày hôm đấy. Sau này hắn ta mới khai thật rằng lúc đấy muốn tiếp cận mà chả biết nói gì nên lấy đại chuyện sứa ra hỏi mà cuối cùng bị lật bài lol (thiệt xàm hết sức). Và suốt gần một tuần tiếp theo sau đó, Uyên có bạn đồng hành rong ruổi hết ngóc này ngõ kia của Hội An, lân la luôn cả cái Đà thành, cười như chưa bao giờ được cười, hân hoan như một bông hoa mới chớm, với một người lạ mà quen, với niềm vui biết chắc rằng ngắn ngủi. Uyên chỉ biết rằng, phải sống trọn cái giây phút đó, vì sẽ chẳng bao giờ có lại lần thứ hai.

Một mình chưa bao giờ đồng nghĩa với việc cô đơn nếu bản thân biết mở lòng, Uyên độc hành trong chuyến đi này nhưng thứ duy nhất mà Uyên có được sau mỗi điểm đến lại là những người bạn mới, những tình cảm cảm xúc mới mẻ mà chỉ có khi đi một mình mới có thể cảm nhận được. Chú Phụng – roomate của Uyên trong suốt quãng thời gian ở Hội An, có lẽ là người mà Uyên khó có thể quên nhất. Uyên chắc chắn có căn với người lớn tuổi, bởi cứ đi đâu là chỉ có nhào vô làm bạn với các bô lão mà thôi.

Chú Phụng là người cà phê cà pháo với Uyên mỗi sáng sớm thức dậy, chú là người cùng Uyên rong ruổi đến những nơi chả ai đến ở Hội An (tất nhiên chú không phải là người duy nhất), chú là người đủ kiên nhẫn nghe Uyên luyên thuyên về đủ thứ chuyện (và tất nhiên Uyên cũng phải kiên nhẫn nghe chuyện luyên thuyên của chú), chú là người tự động hủy hẹn buổi tối đi chơi với Uyên chỉ vì biết Uyên có hẹn với trai mới quen chui từ An Bàng ra, chú cũng là người khăng khăng không cho Uyên cuốc bộ ra bến xe mà xách xe máy chở Uyên ra tận nơi vào ngày cuối hai chú cháu chia tay tạm biệt, và chú cũng là người sau này trở thành một trong những người bạn tốt của Uyên sau chuyến hành trình.  

Đà Nẵng là thành phố mà trước khi đi, Uyên chẳng kì vọng gì nhiều, nhưng nhờ những con người đáng yêu ở đây, Uyên đã phải vứt bỏ cái định kiến của bản thân trước đó trong đầu hoàn toàn. Uyên quyết định thuê hẳn một con xe máy cho bốn ngày ở đây – một con em Nouvo cũ rích với giá 100k một ngày (Giá sau khi đã kì kèo với anh chủ cho thuê), và tá túc ở nhà một người chị bạn cá tính dễ thương nhất quả đất. Chị là chủ của một quán pub tây khá nổi ở Đà Nẵng, chị là một người chị đồng hương của Uyên, cùng tiếng gọi tình yêu chuyển về Đà Nẵng thực hiện ước mơ cuộc sống du mục của mình.

Tên quán của chị là Đơn vị tôi, là một nơi đậm chất phóng khoáng và niềm vui, quãng thời gian ở Đà Nẵng như chưa từng vui hơn nhờ chị và Đơn vị tôi. Cũng nhờ Đơn vị tôi, Uyên tình cờ có thêm một người bạn đồng hành mới – một người chị độc hành với chiếc wave cũ kĩ từ Hà Nội vào Sài Gòn, chị là một cô gái nhỏ nhắn, nước da chị đen nhẻm vì cháy nắng đường trường, nhưng bản lĩnh của chị thì không đứa con gái nào bằng. Thế là Uyên và chị đánh một cái hẹn với nhau đi khám phá Đà thành.      

Trước khi tới Đà Nẵng chị bảo chị chả có kế hoạch gì cả, nghe thế Uyên lôi chị đi bằng được một điểm hiện hữu duy nhất trong đầu Uyên: Làng cổ Túy Loan (Nơi sau này cứu rỗi bài kiểm tra cuối kì của Uyên).

Có chăng cái thân Uyên trẻ mà cái tâm hồn nó cũ kĩ quá nên chả thèm đi đâu ngoài mấy cái làng cổ trăm năm tuổi, thẳng thừng gạt phăng đi mấy điểm Bà Nà hiêu vượn hay cái quỷ công viên mặt trời châu á gì gì đấy, nghĩ bụng bảo già rồi chơi hem được mấy trò sửu nhi hay đứng chụp hình pose dáng sống ảo nữa (mới 19 tuổi thôi đấy giời ạ). Uyên và chị lạch cạch lái xe tiến về quốc lộ 14B về phía Hòa Vang, đường về làng cổ đẹp đến bình yên lạ lùng, duy chỉ có điều ngoằn ngoèo và dễ lạc thì kinh khủng.

Thời điểm gần tới nơi thì cũng là lúc Uyên vỡ mộng lần hai. Thời điểm Uyên đến Đà Nẵng là vào đầu hè tháng 6, khách du lịch ở ĐN rất đông, nhưng ở khu vực ngoại thành Đà Nẵng thì hầu như không ai đến, đặc biệt là điểm Làng cổ Túy Loan do không phải mùa lễ hội ở đây. Uyên vừa thất vọng vừa thấy thú vị khi đặt chân được tới đây.

Thất vọng vì không khí ở làng không như mình tưởng tượng, thú vị vì mình và bạn đồng hành là những người duy nhất đang ở đấy. Điểm đáng chú ý nhất của làng Túy Loan là đình làng. Đình làng cổ Túy Loan đã tồn tại hơn một thế kỉ từ thời vua Thành Thái, nhưng vẫn còn giữ được nguyên vẹn hình dáng, kiến trúc và những nét đặc trưng của đình làng Việt Nam. Đây cũng là ngôi làng cho ra đời thứ bánh tráng cho món mỳ Quảng trứ danh nơi đây, cùng với thứ nước dùng đặc biệt làm từ nước giếng cổ Bá Lễ (Nơi Uyên đã fail trong việc tìm kiếm ở Hội An).

Uyên và chị loanh quanh mãi mới đặt chân đến được đình làng Túy Loan. Điều đầu tiên hai chị em thốt lên nhìn nhau là: “Cửa đình khóa rồi!”, hai đứa bối rối chạy đi hỏi một nhà dân đối diện xem có cách nào vào được không thì người ta bảo chả có ai đến mở cửa hôm nay đâu. Hai đứa đứng chần chừ nửa muốn bỏ đi nửa muốn vào. Uyên thì không chịu được cảnh đã xách đít đến tận đây rồi mà trở về không không, thế là Uyên nháy mắt với chị bảo “Trèo vào thôi!”. Ông bà nói cấm có sai, bần cùng thì sinh đạo tặc, Uyên đây không bần cùng lắm mà vẫn cứ sinh đạo tặc, Uyên xắn quần xắn áo gác xe khóa cổ sẵn sàng trèo vào đình. Chị thì co ro đứng nhìn với vẻ mặt bất lực, cuối cùng thấy con em chật vật quá phải chạy lại đỡ chân hất lên lấy lực cho Uyên trèo. Uyên lọt được vào trong ngoảnh ra tính dơ tay đỡ chị bảo trèo lên thì đã thấy chị đu người cheo leo trên tường gần vào được tới nơi, đúng là nồi nào úp vung nấy, hai con như giặc ngựa đi chung với nhau đúng hết cả bài!

Mãn nhãn với sự đìu hiu của Làng cổ Túy Loan, chị em Uyên dong xe đâm thẳng về trung tâm, lao ngay vào chợ Cồn đánh chén tất thảy các món trong đó, rồi lại về Đơn vị tôi thức bia hưởng nhạc lấy lại tinh thần chuẩn bị cho những điểm đến tiếp theo.

Ngày hôm sau chị Vân pack đồ đạc tiếp tục lên đường, hai chị em chia tay hẹn ngày sớm gặp lại, chị và Uyên đi ngược chiều nhau, một đứa tiến ra Bắc một đứa đi vào Nam, vô tình tông phải nhau giữa miền Trung, nhưng đây hóa ra là một vụ đụng độ thú vị nhất từng có, một trong hai đứa bây giờ lại phải hẹn ngày đụng độ một lần nữa, có thể rất lâu nữa, nhưng tái ngộ là một điều chắc chắn đối với hai đứa giặc cỏ này.

Chị lại tiếp tục lên đường với con wave của mình, Uyên còn hẹn với Đà Nẵng thêm một đêm và cũng lên đường tiến về điểm tiếp theo. Ngày cuối cùng ở Đà Nẵng kết thúc bằng nguyên một ngày lái xe rong ruổi hết Ngũ Hành Sơn đến đỉnh Bán đảo Sơn Trà – nơi yêu thích nhất Đà Nẵng của Uyên, cũng là nơi lấy bớt một ít máu trên đầu gối của Uyên trên cung đường núi vừa hẹp vừa chật vừa xóc cùng em Nouvo cùi bắp góp phần hỗ trợ.

Sơn Trà là điểm cuối cùng Uyên đến ở Đà Nẵng. Long nhong lái xe về trả cho chủ thuê trước giờ hẹn, Uyên chợt nhận ra (lại chợt nhận ra) Uyên làm mất một cái mũ bảo hiểm trước đó mượn thêm để chở trai ra sân bay, lại méo mặt thêm một lần nữa. Đem đến nơi bối rối nói với anh chủ anh ơi em làm mất cái mũ của anh rồi, để em đền cho anh, thế mà anh ý dễ thương bảo không sao, mũ đấy mũ rẻ tiền anh mua phòng trừ khách làm mất anh coi như cho không luôn. Uyên cạn lời cười trừ, cảm thấy lại bị ngu tập n.      

Loay quay xách cái ba lô lên chuẩn bị cuốc bộ ra bên ngoài bắt taxi để ra bến xe, anh chủ thấy thế bảo bắt taxi từ đây ra bến xe tốn tận 100 ngàn đó nha, khổ nỗi nữa là chả có cái xe ôm nào ở đây, thế là không biết như nào anh ý chạy tót vào trong nhà, ném cái chổi với cái ki hốt rác đang cầm trên tay lúc quét nhà dở thẳng vào trong nhà, dắt đúng cái xe mình thuê ra hăng hái “leo lên anh chở ra bến xe!”, mình lớ ngớ tròn xoe mắt xong cũng nhảy tót lên xe, ảnh phóng cái vèo như tia chớp, tới nơi còn dặn đi đứng cẩn thận, bảo có dịp lại ghé Đà Nẵng chơi.

Thế đấy, trước khi Uyên đi Đà Nẵng lại còn ném thêm cho ít quả cảm xúc ngọt ngào như này, bảo sao mà không yêu nơi này cho được!            

8 bình luận

Leave a Reply