[Crazy Stupid Journeys] Nghệ An – Nhà (Phần 2)
Sóng soài trong cát, gió thổi lạnh cóng, miệng đầy cát, Uyên uể oải nhoài dậy trong cơn mộng mị, đã là 4 giờ sáng, Uyên nhận ra mình vẫn đang ở ngay trước mặt biển, bình minh đã ló, mọi vật hiện lên đẹp và rõ hơn cái viễn cảnh tối tăm nhòe nhoẹt chuếnh choáng của đêm qua, bầu trời đã chuyển sang màu xanh đen pha hổ phách, cái thứ màu mà mọi con mắt đều mong muốn được bắt lại một cách nhanh nhất có thể, hoàn hảo nhất có thể cho một buổi sáng ngắn ngủi trên biển. Uyên không nghĩ mình có thể làm cái điều đó như bao người được nữa, vì bây giờ nó trở thành một điều xa xỉ nực cười trong tình trạng đầu đau như búa bổ và mình mẩy ê ẩm như mới đi mượn đại của một đứa nào về. Ngoảnh mặt sang, thấy tên kia vẫn còn ngủ say như chết, Uyên lắc đầu tỏ vẻ hối hận tận cùng bởi sự điên rồ mà hai đứa gây ra, nhưng chỉ một giây sau đó Uyên đã nhếch mép cười phủi mông đứng dậy và tự nhủ lòng không được phí phạm một thứ bình mình đẹp như thế này, dù nó không hoàn hảo như Uyên mong đợi. Phía xa xa bắt đầu lác đác một vài người dạo biển, đảo qua chỗ Uyên và tên kia, Uyên biết chắc chắn rằng sẽ không thể tránh khỏi ánh mắt dòm ngó không khỏi ngạc nhiên vào hai đứa nhìn gần như hai đứa vô gia cư, dẩm thần kinh lăn lóc ngủ ngoài biển, tên kia mặc kệ đời chả biết gì vẫn chìm trong giấc nồng, còn mỗi mình Uyên hứng chịu trận đạn bắn ra xối xả từ những ánh mắt của người lạ. Uyên nghĩ mình đã chai sạn với những thứ kiểu đấy, thế nên chỉ biết nhìn thẳng mặt người ta mà cười lại một cách mỉa mai, đó là điều Uyên vẫn thường làm mỗi khi bắt gặp những ánh mắt kiểu đấy, nhưng nhiều khi ngồi nghĩ lại khéo người ta lại nghĩ mình điên. Thôi, Uyên cóc quan tâm, Uyên sẽ vẫn đi hưởng bình minh. Bình minh của biển vào hè đẹp đến khó cưỡng, nó là cái đẹp làm cho con người ta cảm thấy hưng phấn tươi mới hơn bao giờ hết, nhưng buồn một nỗi, Uyên là con người của mùa đông, Uyên yêu biển vào đông da diết. Biển mùa đông âm u lạnh lẽo, không chói lóa rực rỡ như biển mùa hè, biển đông mưa phùn che hết lối, ẩm thấp lầy lội, nhưng biển đông đem đến cho con người ta một cảm giác không mùa nào có được là cái sự tĩnh. Cái tĩnh đấy có khả năng lột trần được tất tần tật cái tôi thật nhất, xúc cảm thật nhất của một người, thật đến nỗi buồn bã cô đơn, đến nỗi chấp nhận cái buốt lạnh ướt át mà ngửa mặt đi trong mưa, mà lại thấy nhẹ nhõm và vui đến lạ. Nếu mà để chuyển thể cái cảm giác đấy thành một thước phim, thì có lẽ không thước phim nào có thể thể hiện được chính xác hơn hình ảnh của Chris Martin trong Yellow của Coldplay – bản nhạc cũng như music video yêu thích nhất mọi thời đại của Uyên. Uyên đã từng nhiều lần cố ép mình vào cái cảm xúc miên man của Yellow, vờ như mình là Chris, miệng nhép nghêu ngao Yellow, tưởng tượng mình đang ở trong một music video, cứ thế chạy về phía trước và hát, tỉ dụ như những lúc ấy có thêm con mắt thứ ba nhìn từ ngoài vào, chắc ai cũng tưởng con này mới trốn trại ra. Nick sau này khi hai đứa gặp lại, ở một nơi tương tự, duy chỉ có lúc đấy đã phải mặc áo ấm, và trừ phần ngủ trên cát ra, trong một tích tắc so deep, đã buột miệng hỏi mình “Mày có biết video âm nhạc yêu thích nhất mọi thời đại của tao là gì không?” “Là gì?”- Mình hỏi. “Yellow của Coldplay, lúc mà thằng Chris nó chỉ đi thất thểu trên biển trong mưa như thằng điên ấy, thế thôi mà đẹp đến lạ lùng.” Nghe đến đó Uyên bất giác quay sang nhìn nó rồi cười phá lên nói “Thế mà tao cũng điên giống nó bắt chước nó làm vậy cả đống lần rồi đấy!”, Uyên lúc đó đã nghĩ trong đầu, mình và nó có lẽ có căn với biển thật, biển và một ít sự điên rồ, cứ dính chặt lấy nhau. [youtube https://www.youtube.com/watch?v=yKNxeF4KMsY] Sau những bước dạo dài và sảng khoái trên cát, Uyên quay lại đá đít tên kia dậy, và làm một cái báo động giả cho nó hoảng hốt mà thôi cằn nhằn lăn qua lăn lại không chịu nhấc mông dậy đi về. Hai đứa nặng nề trèo lên bãi đêm trước đỗ xe, tên kia thì vẫn không khỏi cằm rằm phía sau lưng, ngáp ngắn ngáp dài, liên mồm chửi rủa Tao thấy như shit, bọn mình đáng nhẽ không nên ra đây đêm qua, giờ tao thấy như shit ấy! Thế là cái bài ca ấy tua đi tua lại suốt quãng đường gần 20km về nhà, mặc cho cảnh trên đường đẹp đến cỡ nào, hắn ta vẫn chửi rủa bản thân, cả Uyên, cả cái đêm say xỉn hôm qua, Uyên cuối cùng cũng được diện kiến Chí Phèo phiên bản thế kỉ 21, cảm giác không thể thật hơn. Cuộc tiễn biệt bạn đến chơi nhà của Uyên kết thúc bằng một trận ngủ say sưa, một bữa cơm giải rượu, một ván Connect 4 (Ai không biết trò này google dùm nha, chơi cực ghiềnn) và một cái ôm tạm biệt ở bến xe. Sau màn tiễn biệt, Uyên tự nhủ trong thời gian ở Vinh sắp tới chắc sẽ không nhận host thêm đứa nào nữa cho tới khi về Sài Gòn, host đứa nào cũng vui quá trớn như này chắc long thể xuống cấp quá, thế là Uyên lại về set lại status trên Couchsurfing thành “Not accepting guests”, có thể Uyên sẽ rất buồn chán nếu trong thời gian đó vừa chưa kiếm được xe máy, lại vừa không có bạn đến chơi cùng, nhưng có lẽ nó là phương án bảo toàn năng lượng cơ thể tốt nhất để Uyên có thể tập trung vào chuyến đi tiếp theo. Uyên lại trở về với chuỗi ngày vật vã kiếm tìm một chiếc xe, lại chạy lên chạy xuống, gõ lấy gõ để cho người này người kia. Hai ngày sau đó, bố Uyên về nhà với một tin tuyệt vời nhất quả đất trong 1 tuần ở nhà vừa qua: Bố đã mượn được xe cho Uyên! Không thèm nghĩ ngợi gì, Uyên sùng sục chạy đến nơi bạn bố để rước em xe về. Em ấy tên là Serious, bận đồ đỏ, ngoại hình hơi xuống cấp nhưng phụ tùng nội thất thì miễn chê, vẫn còn xài được hết nước. Uyên nhìn vào một em xe cũ rích xấu xí mà chưa bao giờ cảm thấy sung sướng và háo hức như thế, đó chỉ có thể là sức hút của việc ngứa chân và bụi đường mới khiến Uyên cư xử như thế. Bố Uyên dễ thương lắm, thấy Uyên đưa xe về tới, lăng xăng ra hỏi ngay đã rửa với thay nhớt cả chưa mà đi (Dù chả biết mình đưa xe đi tới đâu), sau Uyên mới đưa ra lộ trình chi tiết cho bố nghe trong vỏn vẹn hai từ “Ra Bắc”, không phải Uyên dấu bố, mà đúng thật Uyên chỉ biết là Uyên sẽ tiến về phía Bắc, thế là bố mè nheo, bảo mày phải nói cụ thể đi đâu, và thế là Uyên lôi đại ra một điểm vừa gần vừa xa: Hà Nội. Uyên khi lấy được xe về chỉ muốn xuất phát càng nhanh càng tốt, nhưng sự kiện xảy ra tiếp theo đã kéo Uyên lại và phá vỡ hết niềm háo hức được lên đường. Tiếng ting ting tin nhắn của viber kêu lên, là tên Nick. “Tao cần mày giúp!”, vừa mở máy lên đọc tin đã thấy điềm chẳng lành, vừa đọc vừa chờ hắn nhắn tiếp vừa cầu không phải chuyện gì ghê gớm. “Tao đang host một thằng hitchhiker người Nga, nó chuẩn bị đi tiếp ra Vinh, mày host nó ở Vinh được không? Thằng này tội lắm, mày phải giúp nó!” Mình đọc đến đấy díu mắt ngao ngán, lại chuẩn bị phải đèo bòng. Uyên không muốn phải cáng trường hợp này, vì Uyên đang rất muốn lên đường sớm nhất có thể, nhưng không giúp nó thì không được, bây giờ kể cả ném nó sang cho đứa khác host thì cũng không được, mình không yên tâm và đồng ý với chuyện đem con bỏ chợ, thế là đã gật đầu nhận lời host thêm hai ngày. Trước khi nhận lời, Nick nó còn cảnh báo là thằng này rất kì cục, mày cố gắng mở lòng nó dùm tao, tao chịu chả nói chuyện được với nó. Uyên tặc lưỡi ngán ngẩm bảo ok mày cứ để tao lo. Ngày hôm sau Uyên lại dong xe ra bến xe đón thêm một người bạn mới. Vì bạn này không có sim ở Việt Nam nên công cuộc liên lạc và tìm kiếm cực kì mệt mỏi, phải liên lạc qua người này người kia, cả gọi cả nhắn tin dặn dò cho cả tài xế xe buýt cho đến khách ngồi cạnh nó, cho đến khi đón được nó về nhà, Uyên vẫn chưa cảm thấy an tâm một tí nào. Nó đến từ nước Nga xa xôi, hichhike (Xin đi nhờ xe) cả quãng đường từ Nga qua Kazarkstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Thailand, Cambodia và Việt Nam. Một lộ trình xa xôi và mệt mỏi này bằng hình thức hitchhike đối với mấy đứa Nga là một điều khá đỗi bình thường. Ở Châu Âu đặc biệt ở Nga, việc hitchhike với quãng đường kinh khủng như thế đã trở thành một lifestyle từ cả mấy chục năm trước. Trong đời Uyên đã gặp vô số hitchhiker, nhưng Uyên thề tên này là tên dị nhất mà Uyên từng gặp từ trước tới nay. Tên nó là Konstantine – một cái tên rất Nga, năm nay 23 tuổi – một độ tuổi dễ hiểu khi chọn kiểu du lịch như này, nó mang ngoại hình và phong cách điển hình của một backpacker đường dài mà Uyên từng nhắc tới, nhưng nét mặt và tính cách thì không giống bất cứ ai Uyên từng tiếp xúc. Hắn mang nét trầm lặng từ tốn, kiệm lời, ánh mắt nhẹ nhàng chậm rãi nhìn ngắm mọi thứ xung quanh, từ lần đầu tiên nhìn thấy ánh mắt của hắn, Uyên đã cảm giác rằng hắn rất khác biệt. Uyên lần này quyết không tự làm mình bẽ mặt, nhường hẳn cho hắn cái giường êm ái của mình (có báo trước cho ba mẹ), và chạy đi mua cho hắn một đôi sandal mới. Khi mới gặp hắn, đập ngay vào mắt không phải khuôn mặt điển trai của trai Tây mà là đôi dép hắn đi, đó là một đôi tổ ong cải tiến màu xanh, loại dép ở Việt Nam thường thấy trong nhà vệ sinh và bị cắt mõm để khỏi bị ăn trộm. Uyên vừa thấy buồn cười vừa thắc mắc tại sao đứa như nó lại đi đôi dép như thế. Uyên sau đó không có cơ hội hỏi mà hắn tự kể luôn rằng giày của hắn bị ăn trộm lấy lúc hắn đang tá túc ở một ngôi chùa ở Thái Lan, lúc hắn ngủ dậy thì chả thấy giày đâu nữa, thế là sư ở đó mới đưa cho hắn một đôi dép đi tạm. Uyên nghe vừa thấy buồn cười vừa thấy tội nghiệp vừa thấy nó mỉa mai, mất cắp ở chùa, đúng là hài hước làm sao.
Uyên từ bé đã có duyên với những thành phần được coi là “lập dị” ở trường, bất kì đứa nào bị kì thị hoặc bị trù dập ở trường, Uyên đều được vô tình xếp ngồi cùng, và Uyên luôn có một sự hứng thú kì lạ đối với những đứa như thế, thế là lúc nào Uyên cũng như một con dòi bên cạnh một cái tượng đá. Mặc sức nó cúi đầu im lặng, làm mặt hình sự, chống cằm bịt tai, Uyên cứ luyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác bên tai chúng nó, lôi hết cái này đến cái kia ra khoe ra kể, nhiều khi buồn còn tâm sự như một cái máy phát dù biết nó không thèm để ý, cứ thế cho đến một ngày nó quay sang ném cho Uyên một câu trong một tỉ năm gần như không nói câu nào “Mày đừng cố tỏ ra thích nói chuyện với tao nữa được không?” Uyên chết lặng chả biết nói gì, lòng cảm thấy tổn thương sâu sắc, bởi Uyên thực lòng muốn nói chuyện với nó, Uyên không phải đang cố tỏ ra thương hại nó hay gì. Uyên còn nhớ mãi sau cái lần đó, Uyên không nói lấy nửa lời với nó cả tuần. Cái im lặng đấy đáng sợ kinh khủng khiếp, nó như một quả bom nổ chậm chỉ chờ chực bùng cháy, rồi đến một ngày, nó quyết định gỡ quả boom đó xuống một cách nhẹ nhàng bằng cách đẩy một bài tiếng anh qua phía chỗ Uyên đang ngồi “Chỉ tau với, tau không biết làm cái ni”. Uyên tiếp nhận cú đáp trả sau một tuần im lặng trong sự nhẹ nhõm “Tau bày anh rồi tí nhớ bày tau làm toán nạ”. Uyên cứ thế hình thành nên một sợi dây vô hình kết nối những tâm hồn vỡ nát lại với nhau, Uyên tìm đường đi sâu tận bên trong thế giới nội tâm đầy bí ẩn của những con người như thế, Uyên tự mở lòng mình ra, để từ đó mọi người chào đón Uyên đến với thế giới của họ. Với Konstantine, Uyên dường như lại cảm được cái sợi dây kết nối quen thuộc đó một lần nữa. Konstantine thuộc một kiểu người trộn lẫn tất tần tật cái khác biệt ở những con người khác biệt mà Uyên từng tiếp xúc. Một phần vì rào cản ngôn ngữ, một phần vì tính cách đóng chặt của hắn ta, Uyên đã phải cố gắng gấp đôi khả năng của mình để nói chuyện với hắn. Đối với một chàng trai 23 tuổi đời, xách ba lô đi du lịch, một hitchhiker, việc không muốn sở hữu vật chất, việc muốn đi theo đạo Phật phương Đông, việc muốn đi đến miền đất Phật Ấn Độ là điểm cuối hành trình để tu dưỡng phần đời còn lại, việc đến tất cả các chùa chiền chỉ để thiền và không lấy đi một bức ảnh nào, việc đổi sang ăn chay trường từ một nền văn hóa du mục chỉ toàn ăn thịt, thì đó là những điều không hề bình thường một chút nào nếu để nói về một chàng trai trẻ như thế. Những hitchhiker Uyên từng gặp đều mang trong mình một sự sáo rỗng quen thuộc, lấy mục đích rỗng tuếch nâng lên thành triết lý cao cả, và cuối cùng cả chuyến đi đó chỉ phục vụ cho cái tôi vớ vẩn của người ta mà thôi. Konstantine thì khác. Uyên có thể chốt một câu chắc chắn như thế từ giây phút Uyên thấy ánh mắt sáng ngời ngập tràn hạnh phúc của nó khi cả hai đứa đứng phóng tầm mắt từ trên đỉnh núi chùa Đại Tuệ nhìn xuống thành phố, cả cái sự thổn thức khi hai đứa chân trần bước vào chính điện chùa hít hà mùi nhang trầm, cả cái im lặng dễ chịu khó tả khi hai đứa vắt vẻo sau lưng chùa nhìn ngắm chiếc bảo tháp đang được xây cất. “This is so beautiful”, đó là câu duy nhất hắn nói trong ngày hôm đó. “Yeah it is, very beautiful”, Uyên đáp lại trong đầu như thế và thể hiện chỉ bằng một nụ cười thỏa mãn. Đây là cảm giác đích thực khi người ta biết dừng lại một chút, vứt bỏ chiếc camera đẹp đẽ, cảm nhận, ngắm nhìn, tất cả mọi thứ đi sâu vào trong tầm mắt, cảm xúc trượt dần trên từng thớ da, thật hơn bao giờ hết, bằng cách nào đó, Konstantine đem lại cho Uyên một cảm giác tự tại khó mà miêu tả bằng lời. Ngày hôm đó kết thúc không thể đẹp hơn, với tư cách là hai người duy nhất lên thăm chùa (Chùa Đại Tuệ thời điểm Uyên đi vẫn còn đang xây cất), sư cô trên chùa ngỏ lời mời hai đứa ở lại dùng cơm trưa với chùa, trưa đó chùa cứ vui như hội, mọi người vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả, và đương nhiên Konstantine là tâm điểm của bữa trưa hôm đó. Các sư cô khi nghe Uyên kể chuyện Konstantine về ước nguyện của nó, không khỏi ồ lên vì hứng thú tò mò, sau đó còn mời hai đứa ngủ lại chùa một đêm để có thể chiêm ngưỡng Chùa Đại Tuệ ban đêm đẹp đến nhường nào, và còn níu kéo Konstantine tá túc ở lại vài ngày với chùa khi nghe Uyên nói Konstantine bảo muốn dọn lên đây ở, Uyên đã phải kìm nén sự sung sướng lại và dập tắt ý tưởng đó ngay lập tức vì cả Uyên và nó đang rất vội vàng cho những chuyến đi sắp tới, một điều chẳng tốt tí nào khi Uyên phải vội vàng bỏ qua những điều như thế này, nhưng thật sự Uyên chẳng còn mấy thời gian mà quãng đường muốn đi thì lại còn rất dài. Tự an ủi bản thân rằng đây là một kết thúc không thể đẹp hơn với Nghệ An, Uyên và Konstantine mỉm cười chào tạm biệt các sư cô trong chùa hẹn ngày tái ngộ, tiến về phía Cửa Lò hóng biển trước khi dong xe về nhà chuẩn bị cho chuyến đi đến điểm tiếp theo vào ngày mai.
Đêm ngày cuối hôm đó, Uyên quyết định không để phí quãng thời gian còn lại, thế là rủ rê Konstantine đi hóng gió bụi đêm thành Vinh. Đi đi thế nào Uyên lại quán tính đâm ra phía chỗ cầu Dầu, nơi ngày xưa Uyên thường đạp xe ra cùng nhóc bạn xả stress vào những lúc cầu Dầu không có ai, canh những khi có gió to thổi đến, đững giữa cầu thi nhau hét thật to và dài, xem ai hét khỏe nhất, hét xong đứng cười như hai con điên, ấy thế mà trôi hết buồn phiền của tuổi mới lớn. Uyên dắt Konstantine chui vào phía bãi tàu gần cầu Dầu, sở dĩ nó có tên cầu Dầu vì ở đấy là chỗ những chiếc tàu chở Dầu cập bến, đêm đến lúc nào cũng có ít nhất một tàu chở Dầu cắm cọc yên vị gần chỗ cây cầu. Cầu Dầu bây giờ khác xưa lắm, bởi bây giờ nó cứ như cái điểm du lịch, người ra người vào náo loạn, hàng quán thì dăng đầy lối vào cầu, nhìn ngao ngán chẳng ra cái thể thống gì. Uyên thấy cảnh đó mà chán chường, liền rủ Konstantine làm trò vui hơn, kệ xác các thanh niên cô cậu bu đầy đầu cầu ăn ăn uống uống, chui vào làm trò con mèo gần những chiếc tàu. Nơi những chiếc tàu đậu ở cầu có một đường dây thừng chắn ngang qua, ghi rõ ràng chữ “Không phận sự miễn vào”, nhìn thấy thế, adrenaline trong máu của Uyên lại nổi lên, khoắt tay miệng liến thoắng “Let’s go” kéo Konstantine đi theo chui qua sợi dây thừng. Thằng Konstantine đầu vừa chui mồm vừa chửi “You’re crazy” bằng cái giọng Nga khạc khạc của nó, Uyên thì cứ đầu tiến chui chân tiến bước rón rén. Qua được sợi dây thừng thì đến phần mệt mỏi hơn: Nhảy từ khúc bờ cầu qua mạn tàu, khoảng cách giữa hai phần đó không mấy xa, nhưng phần khó ở đây là trời cứ tối đen như mực mà khu vực đó lại không có tí đèn nào, trật chân một phát là coi như được tắm nước sông Lam miễn phí. Uyên gan to nên nhắm một cái nhảy vèo đã lên mạn tàu, chỉ còn thằng Konstantine đứng đó nhìn với vẻ e ngại, Uyên đành giờ tay ra đỡ bảo mày nhảy đi tao đỡ, thế là nó lấy đà làm một cái rầm! rõ to lên tàu, Uyên hoảng hốt trợn mắt nhe răng lấy tay che miệng không dám cười to, chỉ sợ bảo vệ nó đến hốt một cái là hai đứa ăn cám. Hai đứa cứ thế nhanh nhảu mò lên phía tầng trên của tàu, chọn một cái view đẹp nhất ngồi chễm chệ lên thành tàu, khoái chí như vừa cướp ngân hàng thành công. “Vui quá!”, hai đứa thay nhau thốt lên sảng khoái. Đêm đó bầu trời không đẹp tẹo nào, kiếm hoài chả thấy một con sao, nhưng thay vào đó là hằng hà sa số ánh đèn thành phố lấp lánh trải dài trên mặt nước, đền bù lại sự thất vọng tìm kiếm vẻ đẹp tự nhiên trên bầu trời của hai đứa. Chính nhờ đêm đó, Uyên đã khám phá thêm được một vẻ đẹp khác của Nghệ An, và cả một thế giới nội tâm khó đoán của một người lạ mà quen. Đêm đó Konstantine đã nói rất nhiều, nhiều hơn những gì Uyên có thể nhớ hết, nhưng cho đến tận bây giờ Uyên vẫn cảm giác được rõ ràng cái cung bậc cảm xúc của Konstantine lúc đó, dù Uyên chỉ là một người lắng nghe mà thôi.
![[Crazy Stupid Journeys] Nghệ An - Nhà (Phần 2) 3 89220 29386196 1665689213513117 6555173778022727680 o](https://donttravellikeuyen.files.wordpress.com/2018/03/89220-29386196_1665689213513117_6555173778022727680_o.jpg?w=760)
//assets.pinterest.com/js/pinit.js
Cho đến khi Uyên có được xe trong tay và biết rõ thời gian Uyên sẽ đi, Uyên vẫn chưa biết chính xác Uyên sẽ dừng ở đâu. Sáng hôm sau khi còn đang mông lung mở điện thoại nhìn vào google map lần thứ n, liếc mắt nhìn qua nhìn lại xem trưa nay mình nên đang ở đâu ở trên bản đồ, thì tin nhắn của tên Nick lại một lần nữa vang lên, nhưng lần này là cứu rỗi Uyên khỏi mớ bòng bong đau đầu: “Ra Thanh Hóa chơi với tao không? Tao dẫn mày đi chơi!”. Uyên chẳng chần chừ mà Okay cái rụp. Uyên chạy ra ngoài phòng thông báo với Konstantine: “Mày biết gì không, tao sẽ ra Thanh Hóa gặp Nick, và tao sẽ chở mày ra quốc lộ vẫy xe trong trưa nay!”, nó nở nụ cười toe toét hiếm hoi trong suốt 2 ngày vừa qua “Vui quá! Mày nhớ gửi lời hỏi thăm tới nó dùm tao nhé!”, Uyên và nó cảm thấy háo hức hơn bao giờ hết, bắt đầu rục rịch soạn đồ pack đồ, trong bụng bươm bướm bay tứ tung. Xong xuôi, Uyên lên đường nổ máy (xe đã hỏng bình đề không nổi) chở Konstantine về hướng đi cửa khẩu, ngược hẳn đường Uyên sẽ đi tới 20km, nhưng vì không nỡ vứt nó lại nơi xó xỉnh, Uyên quyết định cứ chở nó về thẳng phía Cửa khẩu Cầu Treo theo ý nguyện của nó, nơi nó sẽ tiếp tục hành trình vượt qua Lào để trải nghiệm thêm niềm đam mê chùa chiền thiền định. Tới cửa khẩu, Uyên chọn một spot dễ dàng nhất để nó hitchhike, trước khi thả nó xuống Uyên vẫn hỏi lại là mày có chắc mày vẫn sẽ muốn hitchhike ở đây không, bởi tao có thể mua vé xe cho mày đi thẳng qua Lào. Sau khi hỏi câu đó thì Uyên nhận ra Uyên đã hỏi một câu khá ngu, “Mày không nhớ là tao đã hitchhike từ Nga tới đây à?”, nó cười đáp. Uyên bối rối chả biết nói gì hơn, chỉ biết chìa tay ra ôm nó một cái thật chặt, chúc lên đường may mắn, ném một cái hẹn xa xôi rằng một ngày nào đó sẽ được gặp nó ở miền đất mơ ước, sẽ được thấy nó sống trong giấc mơ thiền định nơi đất Phật Ấn Độ, và mè nheo nó phải lập một cái facebook để Uyên có thể theo dõi hành trình của nó trên cái điện thoại bể tan nát mà nó có, thế là Uyên hí hoáy ghi số điện thoại, tên và facebook của Uyên dúi vào túi nó, dặn dò như mẹ dặn con phải nhớ liên lạc cho Uyên khi nó tới được Lào. Nó bịn rịn quay đầu rảo bước về phía những chiếc xe tải, ngón tay cái bắt đầu dơ lên, chuẩn bị cho những chuyến vẫy xe mệt nhoài. Uyên quay xe, mỉm cười, xỏ mũ và đồ đạc sẵn sàng, rút điện thoại ra nhắn lẹ cho tên Nick 2 chữ gọn gàng “I’m coming!”.
https://open.spotify.com/embed/track/7e5ce24mVnH7cgt00Zbh6C