Hành trình 3 ngày 2 đêm của Uyên ở đây không thể nào đẹp đẽ và hoàn hảo hơn, nhờ người thương, nhờ bạn hiền, nhờ tấm chân tình của người Gia Lai và thiên nhiên tuyệt diệu xứ Tây Nguyên này. Vậy Gia Lai có cái chi mà Uyên dám nói vấn vương nhiều đến thế?

Khỏi phải nói, chỗ nào có núi rừng chỗ đó có Uyên. Gia Lai được trời phú cho một cảnh sắc thiên nhiên dường như đẹp nhất trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên Uyên từng đặt chân tới. Uyên đến Gia Lai lần này không phải lần đầu tiên, nhưng lần trước chỉ chết dí ở một cái huyện bé xíu mang tên An Khê nên chẳng đi được đâu. Lần này quay lại, đặt chân tới Pleiku, cảm nhận một cách chân thực, Uyên mới thốt lên rằng “Mình đã bỏ lỡ quá nhiều!”.
Đó là một buổi sáng thứ 7 se lạnh, trời mây mù xám xịt. Chuyến xe kéo dài gần 12 tiếng đồng hồ đưa Uyên tới với Pleiku. Tụi Uyên mở màn chào buổi sáng bằng ngay và liền một tô phở khô nóng hổi thơm phức, một tách cà phê đen ấm nóng xua tan đi cái lạnh hanh khô kèm một chút nắng len lỏi mà Uyên vẫn thèm khát sau 4 năm sống ở Sài Gòn dưới cái nền nhiệt độ trung bình 28 độ C.

Pleiku làm Uyên nhớ Vinh da diết, hai nơi chốn này giống nhau đến lạ. Duy chỉ có một điều Uyên không thể kết nối thành điểm chung giữa hai nơi, đó là con người. Người Gia Lai dễ thương quá quá, nói thiệt, người Vinh không có được dễ thương dễ cưng đến vậy. Thiệt, vừa buồn vừa tủi. Gia Lai cứ như một đứa con lai hoàn hảo giữa hai văn hóa Bắc Nam, cộng thêm một chút đặc trưng pha trộn của đồng bào bản địa Tây Nguyên, làm con người ta nhìn vào thấy bối rối, không biết nên cư xử như thế nào.

Uyên sẽ đưa các bạn đi dạo một vòng qua những nơi Uyên đến ở vùng đất tuyệt vời này. Không nhiều, nhưng đủ để các bạn sẽ phải xao xuyến và ồ lên sung sướng “Nước mình đẹp quá!”
Chùa Minh Thành

Chùa Minh Thành là một trong những ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất Uyên từng tới thăm. Trước khi đi trong đầu không mong đợi nhiều, nhưng khi đặt chân đến thì thực sự bị choáng ngợp hoàn toàn.

Chánh điện chùa bố trí theo một hình thức đơn giản của mạn-đà-la (maṇḍala). Đó là một vòng tròn, được tượng trưng như một đóa hoa sen nở trọn, và vòng tròn này là căn bản vũ trụ luận của Mật giáo. Thông thường, có hai bộ mạn-đà-la. Kim cang giới mạn-đà-la (vajradhātu-maṇḍala) biểu tượng cho trí tuệ sở chứng của Phật. Thai tạng giới mạn-đà-la (garbhadhātu-maṇḍala) biểu tượng cho phương tiện độ sinh của Ngài. Mỗi mạn-đà-la đều dựa trên một số chủ điểm tư tưởng của Đại thừa giáo – (Theo wikipedia).

Kiến trúc của chùa Minh Thành mang đậm nét kiến trúc chùa chiền ở Nhật Bản. Uyên có từng đọc được một bài viết/tài liệu rất hay về nguồn gốc và chi tiết của kiến trúc điển hình các công trình tôn giáo phong cách Nhật Bản ở đây, các bạn hứng thú có thể đọc qua để hiểu sâu hơn, và nếu có dịp đến với chùa Minh Thành, đừng quên so sánh liên tưởng với kiến thức mình đọc được nha 🙂

Hàng Thông,
Đồi Chè Gia Lai
Chắc chắn Uyên sẽ không thể bỏ qua một điểm hót hòn họt được khai phá và check in rầm rầm từ các bạn trẻ từng đến với Gia Lai này rồi. Mà thực sự, thực sự nó đẹp quá đáng các bạn ạ. Đẹp không phải bởi vì Uyên chưa từng thấy hàng thông hay hàng cây trên một con đường dài tăm tắp như thế, mà bởi vì cái không khí và vạn vật ở đây nó quá đỗi bình yên và mộc mạc, làm cho mình có cảm giác nó đẹp hơn gấp vạn lần.



Núi lửa Chư Đăng Ya

Đây chắc là điểm Uyên yêu thích nhất ở Gia Lai. Bởi một khi Uyên đã thấy núi đồi trùng điệp, đã thấy đồng cỏ lau bạt ngàn, đã thấy nắng đẹp một cách hoàn hảo cùng gió cao nguyên thi nhau rượt đuổi, đã leo lên tới đỉnh núi một cách đầy mệt nhọc và hét toáng lên như chưa từng được hét vào cái không gian tuyệt vời trước mắt, thì chắc chắn, chẳng có thứ gì có thể đánh bại hình ảnh yêu thích đó của Uyên được nữa.


Hoàng hôn trên Sông Ba
Tụi Uyên kết thúc hành trình khám phá lang thang ngày thứ 2 ở một chốn lạ lẫm. Lạ lẫm bởi đây chỉ là một điểm bọn Uyên vô tình dừng lại để lia mấy bô ảnh. Vì thực sự ở vùng đồng quê ở Gia Lai chỗ nào cũng đẹp, cũng muốn dừng lại.
Lúc đó đã là gần xế chiều, tụi Uyên quyết định dừng lại ở một con đê gần một cây cầu sắt cũ kỹ, dựng xe nạp thêm năng lượng bằng chút bánh quy, và ngồi chờ hoàng hôn xuống. Với Uyên, đó là hoàng hôn đẹp nhất Uyên từng được thấy, cũng là hoàng hôn đặc biệt nhất Uyên có từ trước tới giờ.

Hoàng hôn cuối cùng ở Pleiku
Những tưởng ngày cuối cùng ở Pleiku không còn được ngắm bất cứ thứ gì đẹp hơn hoàng hôn như ở sông Ba được nữa. Nhưng không, Pleiku tiễn Uyên về bằng một cách không thể nào hoàn hảo hơn. Từ một cái bụng đói cồn cào, tấp đại vào một quán cháo gỏi gà hóa ra ngon nhức nách nhất từng ăn, đến việc bỏ muỗng giữa chừng chạy thẳng lên cây cầu treo giữa thành phố để đón những tia nắng cuối cùng của ngày. Những giây phút như thế chỉ có một. Có một mà thôi…

*Mọi credits ảnh trong bài thuộc về bạn đồng hành Alex 🙂
————————————————————————————————————
Tặng các bạn video bạn Sơn Bự của Uyên làm về Gia Lai siêu đẹp! <3
Leave a Reply