Du lịch Koh Rong Samloem không còn quá xa lạ với nhiều người Việt Nam. Mỗi lần dịp lễ đến t đây là điểm được rất nhiều người chọn vì chỉ cần 3 ngày cuối tuần là đã có được một chuyến du lịch nước ngoài nghỉ dưỡng tuyệt vời ở hòn đảo cát trắng sát vách Việt Nam.
Mình mê Koh Rong Samloem tới mức đã đến đây hơn 16 lần vẫn chưa chán và cũng thuộc hết ngõ ngách của hòn đảo. Nên trong bài này mình sẽ hướng dẫn cho các bạn cách đi tới Koh Rong Samloem, cần lưu ý điều gì, và chơi ở bãi biển nào đẹp & vắng người.
Cách đi tới Koh Rong Samloem tiết kiệm thời gian nhất
Nếu bạn đi kiểu con nhà nghèo thì đi xe buýt đêm là tiện nhất, từ bến xe miền Tây đi xe đêm tới Hà Tiên, từ hồi cầu Vàm Cống làm xong thì đi chỉ mất 6 tiếng là tới Hà Tiên rồi.
Từ Hà Tiên lại đi thêm 1 chuyến xe tới Sihanoukville. Thời gian tầm 4-5 tiếng.
Sau đó đi tàu lúc 12 giờ trưa tới Koh Rong Samloem.
Còn nếu bạn muốn đi sang chảnh thì cứ bay thôi, ráng canh vé máy bay trước, ngày thường hay có vé rẻ tầm 100$ khứ hồi còn lễ thì mắc kinh dị luôn. Bay chỉ hơn 1 tiếng từ TPHCM tới Sihanoukville sau đó bạn đi taxi, shuttle bus tới bến tàu và đi tàu ra đảo.
Nhớ mua trước vé xe vé tàu đi Koh Rong Samloem online vừa rẻ hơn lại được hỗ trợ tốt nè, mình hay mua vé ở trang Phuotvivu. Nói nghe chứ dịch vụ du lịch nhất là vụ xe tàu của Campuchia cực chán luôn, nhưng giờ có vài hãng xe hãng tàu nên phải chịu thôi.
Ăn gì chơi gì ở đảo Koh Rong Samloem
Chuyến này mình đi với người yêu nên ở resort xịn xò 1 chút, ngay cảng Soon Noeng, thuê nguyên cái villa to đùng ngay bãi biển bao đẹp, chỗ này có mấy cái võng trên mặt nước sống ảo tốt luôn.
Nếu bạn mà muốn có hình đẹp hãy kiếm mấy cái đầm “vin tẹc” vàng đỏ lên hình nổi nhất đảo luôn. Ngay bãi biển chính Saracen Bay của Koh Rong Samloem có rất nhiều resort, mỗi resort lại có những thứ trang trí riêng phục vụ nhu cầu sống ảo của các chị em. Do đó, bạn hãy dành nửa ngày đi bộ và tắm biển dọc theo bãi biển dài tận mấy cây số này.
Ở cuối bãi Saracen chỗ Resort Freedom có 1 hồ bơi hứng nước từ thác tự nhiên đổ xuống tắm rất thích, thường thác chỉ có vào mùa mưa hoặc đầu mùa khô.
Vốn là người thích tìm mấy chỗ vắng vẻ ít người biết nên đợt này đi mình phát hiện ra bãi biển Clear Water Bay đẹp “dã man”, cát trắng tinh, có đúng 1 nhà nghỉ đơn giản ở nguyên 1 bãi biển dài nên rất sạch.
Chỗ này muốn đi được thì bạn phải thuê tàu riêng tới hoặc đi tàu nhanh tới làng M’Pai Bay sau đó đi bộ tầm 30-45 phút mới tới.
Giá thuê tàu ở Koh Rong Samloem đắt cực kỳ, nếu đi đông người thì còn thuê được chứ đi ít người thì bạn cứ chịu khó đi bộ vậy. Ở Koh Rong Samloem còn có bãi Lazy Beach cũng vắng người đi trekking nhẹ nhàng qua rừng vào buổi trưa rất thích chỉ mất có 30 phút thôi.
Đến Koh Rong Samloem mình cực khoái vụ chèo thuyền kayak đi lòng vòng vài bãi biển gần resort rồi mang theo đồ snorkeling thấy chỗ nào san hô đẹp nhảy xuống lặn. Bạn nào không biết bơi thì cứ mang áo phao nhảy xuống đảm bảo không bị sao cả. Nước biển ở đảo rất êm và an toàn khi bơi.
Ăn gì ở đảo
Thực ra mình không “hảo” đồ ăn Campuchia lắm nhưng so ra vẫn ngon hơn đồ Indo và Philippines rất nhiều. Món mình thấy ổn nhất ở đảo là BBQ hải sản, bò lok lak sốt tiêu đen, cá phi lê chiên ngoài ra thì toàn đồ Tây như pizza, hamburger…
Nhớ để dành hầu bao cho vụ ăn tối lãng mạn với nến trên bãi biển vào ban đêm, giá khoảng 9-10$.
Chi phí mình đi bao nhiêu?
Một chuyến đi 4 đêm 3 ngày đi Koh Rong Samloem mình tiêu khoảng 4 triệu kể cả vào ngày lễ tính ra cũng ngang với đi trong nước thôi. Đảo Koh Rong Samloem khiến cho mình cảm giác rất thoải mái, thư giãn, và có nhiều bungalow gần gũi thiên nhiên chứ không kiểu tòa nhà cao ốc như nhiều bãi biển ở Việt Nam, nên cần đi biển đẹp mình vẫn hay tới Koh Rong Samloem và Koh Rong.
Bài viết được thực hiện bởi: Nhung Phung – CEO & Founder of Phuotvivu
Đây là câu cửa miệng của mình, mỗi khi gặp bất kỳ một bất ngờ, bức bối hay khó khăn nào từ khi leo Fansipan trở về. Ừ, mình. Đứa con gái 22 tuổi, cao ba mét bẻ đôi nặng năm mươi lăm ký lô tròn mỗi ngày chỉ ra đường từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà vỏn vẹn không quá 1000 bước chân và 8 tầng lầu đo được chính xác từ apps “sức khỏe” của iPhone.
“Lên đỉnh” sau 01 ngày dài ròng rã sương mờ bao phủ của cái lạnh dưới 10 độ C
Leo Fansipan để làm gì?
Thực ra, mình không phải là đứa đề xuất ra ý tưởng leo Fan, mà là một đứa em của mình, người em partner thể dục của mình ở trường Đại học. Em thua mình 1 tuổi, hai đứa lười vận động đến nỗi mỗi giờ thể dục đều trốn đi tìm một góc để…ngủ. Một ngày đẹp trời em nói em muốn leo Fan, và hỏi mình “chị muốn đi cùng em không?”. Vốn dĩ là một đứa ba phải, mồm nhanh hơn não nên mình dõng dạc “có” trước khi nhận ra ủa Fan? Fansipan? Là cái ngọn núi 3143m cao nhất Đông dương hồi lớp 4 trong sách giáo khoa địa lý có lần mình bị hỏi bài cũ ấy hả? Ủa, ủa…?
Một lần lỡ lời thì cả đời ăn cám =)) Vốn dĩ là một người lười từ chối, đã đâm lao thì mình hẳn phải theo lao. Cuộc hẹn cà phê đầu tiên mình và em cùng nhau ngồi lên plan cho chuyến hành trình, book vé ở đâu, mang theo những gì, chuẩn bị ra sao? Chốt hết trong hai giờ ba mươi phút lăn lê bò trườn trong ánh đèn bàn mờ mờ ảo ảo ở Bốt Cafe muỗi đốt sưng vù cả chân.
Để đảm bảo thời gian phù hợp, chúng mình – hai đứa sinh viên lần lượt năm cuối và năm gần cuối – quyết định chọn đi vào tết dương, vì chỉ có mỗi lúc đó cả hai đứa đều được nghỉ. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng mình – hai đứa “khá hèn” và lười vận động – quyết định chọn leo theo đoàn, vì có porter dẫn đường, xách hộ đồ, nấu cho ăn và kèm cả bảo hiểm tai nạn. Từ thời điểm quyết định “chốt tiền”, tới chính xác ngày hành trình bắt đầu, là khoảng độ một tháng. Chúng mình tìm được thêm một bạn đồng hành khác, là một đứa em nữa thua mình một tuổi, và cũng là NỮ. Rốt cùng nhóm mình có 3 người, đều là NỮ – rất LƯỜI.
Trekking Fansipan lẽ dĩ nhiên cần chuẩn bị nhiều đồ, nhưng thứ cần thiết nhất là sự QUYẾT TÂM nhé các bạn ơi!
Tụi mình đã chuẩn bị những gì?
Như đã nói ở trên, thì thực sự 3 đứa bọn mình (đặc biệt là mình) chính xác là điển hình cho “thanh niên thế hệ 4.0” – suốt ngày cắm mặt vào mạng xã hội và smartphone đồng thời cực kỳ lười vận động. Sau khi tham khảo ý kiến của rất nhiều người đi trước, và cả khuyến cáo từ đơn vị cung cấp tour Fansipan là Viettrekking, thì mỗi người đều có kế hoạch tập luyện riêng.
Thời gian đó mỗi ngày mình đều đi bộ, thông thường quãng đường từ 2-3km, từ nhà mình, qua trường rồi vòng qua hồ Ngọc Khánh sau đó về nhà. Tuần đầu tiên là đi bộ, tuần thứ hai vẫn là đi bộ nhưng đeo thêm balo đựng một ít sách vở cho quen dần, tuần cuối cùng thì lười quá nên…thôi. Nhưng có một lần đỉnh điểm, là giữa trưa mình đi bộ từ nhà, ra tới hồ Tây rồi vòng về. Lúc đi cũng bình thường thôi, mình đặt chân đến hồ Tây sau khoảng 45 phút. Lúc về mới tá hỏa vì chân mỏi quá và nhìn maps thấy ủa, mỗi lượt đi đi về về là 5km, hoàn thành trọn một vòng là 10km?!? Mình đã ĐI BỘ 10km???
Trong thời gian đợi đến ngày bắt đầu hành trình, thì mình và 2 đồng đội cũng tranh thủ lên Shopee tìm và mua một số đồ dùng cần thiết cho chuyến đi.
NHỮNG ĐỒ DÙNG CHÚNG MÌNH ĐÃ CHUẨN BỊ BAO GỒM: (dành riêng cho mỗi người)
01 vali đựng toàn bộ hành lý quần áo mùa đông (vì chúng mình dự định leo 2 ngày, ở lại Sapa thăm thú vui chơi 2 ngày).
01 balo đựng “một ít” quần áo và đồ dùng cá nhân khi leo.
01 túi nhỏ đeo trước người để đựng vật dụng cần thiết như điện thoại, sạc điện thoại, bánh kẹo, khăn giấy (nhỏ thôi và đeo được trước người nhé).
01 đôi giày thể thao + 01 đôi ủng chống nước cho giày (recommend các loại giày thể thao êm chân và có độ bám dính tốt. Ủng chống nước ban đầu chúng mình mua cho vui thôi, nhưng thực sự là CỰC KỲ CẦN THIẾT các bạn ạ, mua hai ba đôi luôn cũng được).
03 đôi tất cổ cao.
01 chiếc áo khoác siêu to khổng lồ mặc ngoài, 01 áo nỉ mặc trong và 01 áo giữ nhiệt mặc lót (Recommend mặc thành nhiều lớp áo quần để đỡ lạnh và dễ dàng cởi bớt khi nóng).
Rất nhiều Redbulls và đồ ăn vặt giàu năng lượng như kẹo ngọt và socola. (toàn con gái và đều những đứa siêng ăn nhác làm nên bao nhiêu cũng hết).
Túi ngủ: có thể mang theo hoặc không vì đi theo đoàn nên sẽ được porter phát túi ngủ ở trạm dừng chân buổi tối. Nhưng thực sự là chúng không được “thơm tho” lắm, nên nếu bạn nào hơi nhạy cảm thì nên đem cùng. Chứ mình ăn được ngủ được là nghề nên không quan tâm lắm =)))
Một số vật dụng cần thiết khác (có thể có hoặc không): khăn quàng cổ, găng tay, bịt tai, nước rửa tay khô và chun buộc tóc (đối với nữ).
Cuối cùng là thầm nguyện cầu cho thời tiết không mưa vào cái khoảng thời gian địa điểm rõ ràng mà tiền đã một đi không trở lại ấy!
Trekking như thế nào nhỉ?
Ngày 09/01/2019 – vào lúc 22h45 phút, xe khách Hà Sơn Hải Vân đón 3 đứa chúng mình ở bến xe Mỹ Đình, lúc này vẫn còn nhiều hớn hở vui tươi tay xách nách mang trái tim rộn ràng miệng cười phớ lớ vì tò mò trước hành trình sắp sửa xảy ra. Lúc ngồi trên xe trung chuyển, ba đứa con gái hăm hở chúng mình vui mồm buôn chuyện cùng mọi người trên xe, bị dọa cho xanh mặt vì toàn bộ hành khách, kể cả những người sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, đều bảo rằng “không leo được đâu”, “làm gì có chuyện 2 ngày cả đi cả về” hay “ngày xưa lớp em đi mất 3 ngày mới đến nơi đấy” vân vân và mây mây….
Tất nhiên, với niềm tin mãnh liệt vào…tour và số tiền đã chuyển khoản, chúng mình vẫn quyết leo cho bằng được Fansipan – nóc nhà 3143m của Đông Dương.
Nhưng rồi vạn sự bắt đầu nan, gian nan bắt đầu nản. Vì một vài sự không tìm hiểu rõ của ba đứa con gái khờ khạo chưa một chút kinh nghiệm, và vài chút lơ là không kỹ càng của Viettrekking, 3h sáng chúng mình đặt chân tới… thành phố Lào Cai, trong khi đáng lẽ ra sẽ được chăn ấm nệm êm ngon giấc trên xe thêm hai giờ đồng hồ nữa và dừng chân ngay bến xe Sapa?!? Lý do là bởi địa chỉ được Viettrekking thông báo tới chúng mình, là 33 Hoàng Liên, nhưng vấn đề là cả ở thành phố Lào Cai và thị trấn Sapa đều có 33 Hoàng Liên, nên các bạn nhà xe, cùng rất nhiều hành khách “người Lào Cai” khác trên xe đều bảo bọn mình xuống ở thành phố. Lẽ dĩ nhiên, ba đứa mình nghe theo =))
Thành phố Lào Cai chào đón chúng mình bằng cơn lạnh tê tái 9 độ Cen xi út, bụng thì đói mà trời thì chưa đủ sáng để bắt đầu làm một việc gì. Sau 5 phút truy cập Internet và 100% xác định rõ ràng là chúng mình xuống nhầm bến, thì ba đứa mình quyết định “take a selfie” và chờ tới 5 giờ sáng để bắt chuyến bus sớm nhất lên Sapa. Thời gian ước tính tới nơi là 1 tiếng đồng hồ, theo lịch trình, team trekking phải có mặt ở trung tâm lúc 7h30 sáng để 8h00 là bắt đầu.
Vật vờ lúc 3 giờ sáng tại điểm dừng xe bus ở thành phồ Lào Cai – Miệng thì cười nhưng trong lòng đổ lệ là có thật
Úi chao, xe bus Việt Nam thì các bạn biết, thấp, bẩn chật chội và nồng nặc mùi xăng sộc lên buốt đến tận óc. Thế mà chả hiểu sao vào 5h15 phút lúc được đặt chân lên chiếc xe bus xấu xí ấy, cảm giác ấm áp của ngôi nhà, của chăn ấm nệm êm thực sự xuất hiện các bạn ạ =))
Sau 5 phút làm quen thì chúng mình đã ngả hết đầu lên ghế mà ngủ =))
Khoảng 30 phút sau thì cả nhóm lục đục thức giấc, vì xe bắt đầu tới địa phận Sapa, leo núi ì ạch ổ gà ổ vịt xóc kinh khủng khiếp. Và ngoài trời đang mưa, Sapa ĐANG MƯA, 5 độ Cen xi út cho không gian ở ngoài chiếc xe bus cũ kỹ xóc nảy. Ừ đúng, vừa lạnh vừa mưa, và chúng mình thì chuẩn bị leo núi, lại còn là ngọn núi cao nhất Đông Dương -.-
Xe bus thả chúng mình xuống thị trấn Sapa, lúc này mới tờ mờ sáng và ngập trong sương lạnh, sương dày tới nỗi, hai hốc mắt cận lòi của mình cứ phải căng hết ra, để cố nhìn cho rõ mọi thứ. Lúc đó, mình chỉ nhớ là đường phố toàn những chị những cô mặc đồ dân tộc, tay dắt theo hoặc gùi sau lưng một đứa bé quẩn quanh. Thứ rõ ràng nhất, là Sapa Station to oạch, hiện đại, hiên ngang hiện lên rõ ràng dù đứng ở bất kỳ đâu, hòa trong màu xanh núi đồi và dáng vẻ cực kỳ mệt mỏi của tụi mình.
Không còn sức, không có áo mưa nên bọn mình phải gọi taxi về homestay Viettreking. Quãng đường chỉ hơn 1km một chút bị chém đẹp đâu đó 50k (taxi trên này đắt khủng khiếp các bạn nhé).
Tầm 7 giờ hơn thì chúng mình đặt chân được tới homestay, vì lý do thời tiết nên chuyến đi bị hoãn lại thành 9 giờ mới bắt đầu. Thông thường các tour đi sẽ được ghép đoàn với nhau, riêng hôm đó vì Sapa trời mưa “khá” to, và cực lạnh nên 3 người ngoại quốc khác đã rút đoàn. Chỉ còn lại duy nhất 3 đứa con gái chúng mình, quyết leo cho bằng được vì…tiếc tiền =))
9 giờ 30 xe trung chuyển đưa chúng tớ tới Trạm Tôn làm thủ tục kiểm lâm và gặp porter. May mắn là tới lúc ấy, trời đã hết mưa, chỉ còn gió và lạnh thôi, thậm chí vài tia nắng cũng bắt đầu ló, còn lung linh lấp lánh trên đỉnh đầu. Nhưng giấc mơ về các anh giai Tây vui tính, thì không còn, bởi hầu hết các đoàn khác cũng hủy vì lý do thời tiết. Khoảng tầm 10 giờ sáng, cuộc chinh phục nóc nhà Đông Dương, chính thức bắt đầu.
Theo lịch trình, hành trình của chúng mình được chia thành 3 chặng chính. Theo đó, trong buổi sáng phải đạt mốc 2200m, tại trạm nghỉ 01 sẽ dừng chân 01 giờ đồng hồ để nghỉ ngơi và ăn trưa. Sau đó tiếp tục leo từ đầu giờ chiều tới chạng vạng tối phải đạt mốc 2800m, tại trạm nghỉ 02 sẽ ăn tối và nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau là chặng 2800 leo tới đỉnh, tùy theo thời tiết thì khoảng 4 giờ dậy ăn sáng rồi 5 giờ tiếp tục hành trình.
CHẶNG KHỞI ĐỘNG: 0 – 2200 mét
Theo lời các anh porter, thì chặng đường này là dễ đi nhất, không quá dốc, không nhiều bậc thang, không một trở ngại. Nhưng, như đã nói từ đầu 3 đứa con gái tụi mình ngày thường cực kỳ lười, nên 2200 mét này thực sự là thử thách. Người đâu đi được 100m thì nghỉ lại một lần, trong khi các anh porter dù đã giúp mang hết balo nhưng vẫn cười tươi roi rói chân lao nhanh như Lượm -.-
Mình mặc dù là đứa già đầu nhất, nhưng béo nhất nên cũng yếu nhất, thường xuyên đòi nghỉ nhất. Động lực leo tiếp lúc này, là giờ mà quay về thì…nhục với các bạn ở nhà, và…mất tiền, nên thôi mới có sức đi lên. Niềm an ủi hiếm hoi duy nhất, là khung cảnh đẹp thực sự, trời mây thay đổi trong một cái chớp mắt, liếc bên này đầy sương, qua bên kia đã hửng sáng rạng ngời.
Quá nửa trưa gần 1 giờ chiều thì chúng mình tới được trạm nghỉ 01 ở độ cao 2200. Lúc này đứa nào đứa nấy mệt rã rời, lết đi bằng cách cây gậy mây các anh porter chặt cho dọc đường. Trạm nghỉ là mấy căn nhà bê tông mái tôn dựng tạm, vô cùng đơn sơ giữa núi rừng. Có một bầy gà, hai chú chó và MỘT CON MÈO. Mình bị sợ mèo, nên chả dám (mà cũng chẳng còn đủ sức) để lượn lờ một chút nào xung quanh, chỉ trong phòng ngồi yên trên phản và nghỉ chờ tới lúc ăn.
Sau khoảng 10 phút đợi chờ, thì bữa trưa được các anh porter đưa ra. Một phần ăn gồm có 1 gói xôi ba màu (hơi cứng và nguội), 2 quả trứng gà luộc, 1 quả chuối và một hộp thịt gà luộc cho cả ba đứa. Chúng mình ăn không hết vì nhiều và xôi hơi cứng, nhưng thực sự recommend những bạn muốn vững vàng leo được tới trạm nghỉ tiếp theo, thì no đến mấy cũng cố gắng mà ăn hết, vì thực sự mệt, rất mệt.
Bữa ăn trưa ở trạm nghỉ đầu tiên 2200m – Hãy ăn hết toàn bộ không là không có sức leo tiếp đâu nè!!
CHẶNG TĂNG TỐC: 2200 – 2800 mét
Trên thực tế thì chặng đường “vỏn vẹn” 600m chim bay này là đoạn cheo leo nhất, nhiều dốc đá nhất và mất sức nhất. Bạn sẽ thấy xuất hiện hàng loạt cầu thang “vô cực”- thứ chỉ thấy hình mà không thấy đỉnh, rồi những vách đá dựng đứng không một chỗ bám – thứ duy nhất có thể đặt chân lên là một vài vệt hõm vào từ những người leo trước, hay cực nhiều những con dốc, mà khi quay lại đã mất hút vào trong sương.
Lúc đó chúng mình, mọi sự mệt lả và rã rời hình như đều vơi bớt, nhường chỗ cho nỗi sợ “trượt chân”. Trong đầu mình lúc đó, mới thực sự thấm nhuần những cảnh phim mà nhân vật chính bị dồn vào đường cùng phải nhảy xuống vách núi, chắc chắn là sẽ tan xương nát thịt.
Cũng chính ở chặng này, mà những đôi ủng đi mưa buộc quanh giày được phát huy công dụng một cách triệt để. Vì trời lâm thâm mưa, đường lại nhiều suối nhỏ và vũng đọng nên trơn trượt, giày của chúng mình tất cả đều chịu ướt, ngấm nước và cóng băng. Bên cạnh đó mình còn là đứa thường xuyên bị ngã (trước đây mình hơi có vấn đề về mắt cá chân trái), rất đau, có một vài lúc chỉ cần trượt một chút nữa thôi, thì bay xuống vực là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng may mắn là đến tận bây giờ mình vẫn còn ở đây, để gõ ra hết được những dài dòng này. Tất cả những “hẹn thề” hai chiều xuống lên đều đi bộ trước đây của ba đứa mình từ lúc này bắt đầu tan biến, mình khăng khăng mai tới đỉnh sẽ mua vé cáp treo về, mình thực sự mệt, rất mệt.
Cuối cùng thì khoảng gần 6 giờ, khi trời bắt đầu tối và tất cả những đoàn khác đều đã tới trạm nghỉ thứ 02, ăn uống xong xuôi chuẩn bị đi nghỉ thì ba đứa mình cũng tới nơi. Không có nước, không có điện và lẽ dĩ nhiên không wifi chẳng 3G. Chúng mình chui vào căn phòng anh porter chỉ, chả có gì ngoài một tấm phản cao với 6 chiếc túi ngủ (vì ít người nên mỗi đứa được phát hai cái cho đỡ lạnh). Các bạn có nhớ căn buồng của Mị trong “Vợ chồng A Phủ” mà Tô Hoài từng miêu tả trong sách giáo khoa không? Căn phòng này y hệt thế, kín như bưng chỉ độc một ô cửa sổ to bằng bàn tay “trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là nắng hay là sương”.
Vào phòng, vì hôm nay ít đoàn nên chúng mình được anh porter “chiếu cố” cấp cho gấp đôi số túi ngủ thông thường, mỗi đứa 2 chiếc. Dùng một chiếc làm nệm, rồi chui vào chiếc kia, lại quấn thêm áo khoác và khăn ở bên ngoài.
Hai đứa em lầm lũi sửa soạn rồi chui vào túi ngủ để…ngủ =)) mình thì khoác áo chui vào bếp, ngồi bên bàn lửa đang đun nước sôi, xin một ít vào chiếc cốc nhựa để pha cà phê uống cho ấm bụng. Trong bếp đông như kiến những người, một vòng các bạn nước ngoài, một vòng các anh porter người Mông tiếng Kinh nói không sõi nhưng tiếng Anh bồi thì bắn như gió ngồi nói chuyện tán phét, bông đùa. Mình ghé mông ngồi bên cạnh một anh Porter, nghe người ta cười cười rặt tiếng Mông mà không biết một tí gì để nói cùng.
Khoảng một giờ sau thì bữa tối được hai anh porter của chúng mình bê vào phòng. Bữa cơm có đầy đủ cơm canh rau thịt, và rượu. Hai anh porter mang rượu ra “giao lưu” cùng chúng mình. Anh bảo “người Mông không uống rượu bằng chén, chúng mình uống cốc thôi”, thế là rót mỗi người một cốc rượu đầy. Chúng mình ba đứa con gái, vốn dĩ chỉ có thể uống một chút thứ “gạo lên men” này, nên xin phép chỉ kính nửa cốc =))
Bữa cơm tối đầy đủ dưỡng chất bên cạnh 5 cốc “gạo lên men” siêu to khổng lồ
Ăn xong thì các anh porter mang chén đĩa đi rửa và dọn dẹp, chúng mình no nê thì tất cả sự mệt mỏi ùa về, liền sắp xếp lại đồ và…đi ngủ. Lúc ấy đâu chừng 8 giờ tối. Ngoài trời gió to, có mưa và giấc ngủ ùa về.
Sáng hôm sau, 5 giờ, chúng mình được các anh porter gọi dậy, súc miệng vội bằng vài hớp nước lạnh thì bữa sáng được dọn ra. Mỗi đứa một bát mì nóng hôi hổi, một ly cà phê và một đĩa lê cắt xếp hình hoa tráng miệng. Ăn xong, dọn dẹp một chút, thì lên đường, lúc này, trời vẫn còn mờ tối, các đoàn khác đã dậy đi từ sớm, chỉ còn 3 đứa chúng mình xuất phát cuối cùng, mà trời vẫn mịt mùng.
Bữa sáng ấm áp ngon nhất trần đời với cà phê nóng, mì tôm trứng rau cải chần
VỀ ĐÍCH: 2800 – 3143
Không quá dài như chặng đầu tiên, không nhiều hiểm trở như chặng thứ hai nhưng sau một ngày dài mệt mỏi, thì với những đứa lười vận động như bọn mình, đây là chặng tụt giảm tinh thần nhất. Dốc lên thăm thẳm những bậc thang, trời tối không nhìn nổi đường và thực sự là cái lạnh cắt da cắt thịt của 5 độ xê cực kỳ ám ảnh. Động lực hiếm hoi và duy nhất, là chỉ một chút nữa thôi là có thể chạm đỉnh rồi, tầm này có muốn dừng cũng không được.
Và thế là leo, trong màn mưa và tấm áo mưa tiện lợi được porter phát trước lúc lên đường, cho đến khi chạm chân tới cổng tam quan của Kim Sơn Bảo Thắng Tự thì cả ba đứa đều đã tê cóng hết tất cả, từ chân tới tay thậm chí là lục phủ ngũ tạng. Lúc này, nóc nhà Đông Dương chỉ cách chúng mình, vỏn vẹn 600 bậc thang đá.
Độ hơn 8 giờ, gần 9h sáng thì chúng mình tới nơi. Hoàn thành giấc mơ chạm tay tới cái bia đá có khắc dòng chữ “Fansipan 3143m” hình chóp nhọn. Các anh porter trao cho chúng mình một chiếc huy chương, và một tấm bằng nhỏ xíu đại ý chứng minh chúng mình thực sự là những “siêu nhân” đã 100% tự mình leo tới đỉnh, từ trạm Tôn nhỏ xíu cạnh bìa rừng dưới kia, tới đỉnh điểm cái chóp nhọn trên này.
Sau khi chụp kỉ niệm một vài bức ảnh, ngắm nghía một chút khung cảnh đất trời mà lúc này 100% chìm hết vào sương, sương và sương không chừa một chút chỗ cho lấp lánh nắng trời thì chúng mình…leo xuống. Lịch trình là 12 giờ đặt chân tới chỗ nghỉ tới qua, ăn trưa, lấy đồ quay trở về trạm Tôn vào khoảng 4 giờ chiều. Lẽ dĩ nhiên đường về bao giờ cũng ngắn ngủi hơn lúc đi. Dù mệt rã rời, và bị ngã thêm nhiều lần, nhưng thực sự không quá nhiều điều để kể mà chỉ nên, cất giữ trong tim.
Tóm lại, thì khoảng độ 5 giờ chiều một ngày nào đó, chúng mình đã hoàn thành xong 2 ngày 1 đêm trekking Fansipan – lần đầu tiên leo núi của 3 đứa con gái lười vận động chỉ suốt ngày chúi mũi vào smartphone. Mặc dù cho trước đó, rất nhiều bạn bè đã bảo chúng mình bị điên, thừa tiền và dở hơi, nhưng vào lúc đó, lúc đặt chân tới trạm Tôn kết thúc hành trình, mình 100% cảm thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Nếu không đi, làm sao thấy được mặt trời, thấy cầu thang vô cực, thấy biển mây và sức không thử sao biết, thấy mình thực sự, thực sự rất giỏi và biết được giá trị, của việc không bao giờ bỏ cuộc.
Từ đó trở về sau, ba đứa chúng mình vẫn đùa vui với nhau, rằng “đến Fansipan còn leo được…”. Và câu nói đó, cũng là lúc điều mình vẫn tự nhắc nhở bản thân mình, mỗi lần cuộc đời 23 năm sống trên đời gặp, dù chỉ là một chút khó khăn hay bức bối.
Niềm hạnh phúc khi “lên đỉnh”
MỘT VÀI MẸO, ĐỂ TỐI THIỂU SỰ MỆT KHI TREKKING FANSIPAN
Hãy ăn thật nhiều, để có nhiều sức khỏe.
Mang ít đồ dùng thôi, vì thực sự ngoài đồ ăn ra thì chẳng còn gì cần thiết cả. Lúc đầu chúng mình mang theo trong balo một bộ đồ nỉ để thay khi đến trạm nghỉ 02, nhưng thực sự là không có chỗ thay, không cần thiết phải thay và không còn đủ sức để thay nên thực sự không cần thiết.
Đôi giày rất quan trọng. Hãy chọn cho mình giày thể thao chuyên dụng, tốt nhất là cũ một chút nhưng vẫn còn tốt, để dùng xong thì vứt luôn (như mình). À, nhớ mang theo nhiều tất chân nhé!
Tập thể thao thường xuyên, đặc biệt là chạy bộ hoặc đi bộ (có mang theo balo đựng đồ để quen với việc mang vác).
Chụp ảnh lưu niệm ở bảng chỉ dẫn tại Trạm Tôn sau khi kết thúc hành trình chinh phục nóc nhà Đông Dương
Cuối cùng, thì trekking Fansipan thực sự không quá khó, đến lười như tụi mình, còn làm được. Nên là đừng lười, cũng đừng bỏ cuộc, vì chí ít, đó có thể là mốc son chói lọi duy nhất trong cuộc đời tẻ nhạt “như một hạt cơm nguội” (theo lời em mình nói) trong những năm tháng đại học của rất nhiều con người.
Những ngày này Hà Nội tính khí thất thường. Lạnh vào sáng sớm và tối muộn trong khi quãng thời gian còn lại thì nóng bức. Thi thoảng có cơn mưa, mà không phải mưa nặng hạt. Mưa chỉ phùn, mưa bay bay, mưa táp vào tóc vào da vào tay vào mặt. Bước ra khỏi nhà để đầu trần đội mũ bảo hiểm không mặc áo mưa, đi hết một vòng phố trở về thì mưa cũng vừa tạnh hẳn.
Những ngày Hà Nội này mình thường đi làm về muộn. 7h, 8h hay 9h tối không biết. Tuổi trẻ lũ sinh viên vừa ra trường có ai mà không ham việc, có ai mà không ưng bụng cống hiến.
Mình phóng vèo vèo trên đường từ công ty về. Những hôm nào gió mùa về rét buốt hai bàn tay lái xe co ro, trên người chỉ mặc độc chiếc áo phông từ sáng, đông giá quật thẳng vào người.
Loay hoay vài nơi, tối muộn mình mới gần về tới nhà. Bụng đói meo. Mình tìm một quán cóc, ghé mắt thèm một gánh hàng rong.
Hà Nội này, thứ không cần mà bất chợt trông thấy đi ngang nhiều nhất là hàng rong. Thứ đang cần mà đi tới đi lui tìm hoài không thấy cũng lại là hàng rong nốt.
Mình loay hoay vòng đi vòng lại mấy con đường, dạo đi dạo lại mấy chỗ quen, rốt cùng cũng bắt gặp một tiếng rao ngóng đợi – BÁNH KHÚC
“Ai bánh khúc đây….” – xe Hà Nội đêm đem tiếng rao đi khắp hang cùng ngõ hẻm
Bạn mình hỏi, tại sao lại là bánh khúc? Tại sao giữa bánh mì, cơm cháo phở đầy đủ bày sẵn thế kia mà mình phải lòng vòng đi nát con đường chỉ vì một xâu bánh khúc? Mình không biết, mình không trả lời được. Tự dưng, mình cũng thấy buồn cười. Tự dưng, mình cũng muốn hỏi mình.
Ngày xưa, thời còn ở nhà, một vài bận nào buổi sáng cuối tuần nghỉ học, mình thường được mua về cho gói bánh khúc nếu mẹ đi chợ sớm, và trên đường gặp tiếng rao qua.
Đêm đêm đến gần sáng, khắp mọi con phố Hà Nội vẫn âm ỉ tiếng rao “xôi lạc bánh khúc đây”. Tiếng loa rè, tiếng gió ngang qua ngõ, tiếng cười nói náo huyên lạc trong âm tĩnh mịch của đêm Hà Nội phong sương, thi thoảng ngày còn ở ký túc trường, lũ chúng mình vẫn cười ré lên vì tiếng rao thường xuyên bị nghe nhầm thành “tôi là bánh khúc đây” mà băn khoăn mãi không thôi.
Trên thực tế, bánh khúc, hay còn được người ta còn gọi là xôi khúc. Loại bánh này dẻo quẹo, hợp rơ với đứa ghiền đồ nếp như mình. Bên ngoài một lớp áo xôi đồ trắng. Bên trong lá khúc hông lên ghiền nát, quyện hoà với đỗ xanh, thịt lợn nửa nạc nửa mỡ ăn vừa béo lại vừa bùi. Rắc đều thêm một lớp lạc vừng giã nhỏ mằn mặn. Gói bánh khúc tí teo, nóng hôi hổi, cầm lọt trong lòng bàn tay nắm chặt. Đêm Hà Nội ngày gió mùa về, thấy lòng cũng ấm như làn hơi bánh khúc đang nghi ngút bốc lên giữa hai kẽ tay khẽ mở.
Một gói bánh khúc đầy đặn với lớp xôi áo nhân lá khúc giã nhuyễn bọc lấy đỗ xanh, thịt mỡ cùng chút lạc vừng bắt mắt rắc lên trên
Ngày còn ở quê, mẹ mình từng bảo bánh khúc chẳng đâu ngon bằng Hà Nội – Cái món dân dã Hà thành mỗi đêm người ta rao đầy khắp đèn đường ngõ lối. Nhưng kì thực bánh khúc Hà Nội chẳng phải chỗ nào cũng ngon. Mình từng ăn nhiều nơi. Khi là gánh hàng rong buổi tối, khi là quán xá biển hiệu gia truyền, lúc thì nhà hàng đặc sản. Nhưng không phải chỗ nào nếp cũng được dẻo, đỗ cũng được tươi, và đặc biệt là lá khúc được quyện, được nhuyễn, được còn nguyên thứ mùi ngai ngái của non sơ quê miền.
Mình có một người chú làm bên du lịch, mỗi lần có đối tác từ miền khác ra Hà Nội công tác, đi ngang phố cổ kiểu gì chú cũng phải ghé vào hàng bánh khúc gia truyền mua cho người ta ăn thử. Kỳ thực đất thủ đô có lắm nhà bánh khúc gia truyền. Nổi tiếng nhất là bánh khúc Quân và bánh khúc Cô Lan. Nhưng cũng không thiếu những hàng rong đêm đêm người ta đạp xe đi rao khắp mọi hang cùng ngõ hẻm.
Mình không nghĩ rằng bánh khúc là một thức quà “must-try” khi một ai tới Hà Nội. Bởi lẽ đặc sản Hà Nội còn hàng chục hàng trăm thứ khác ngon lành và độc đáo hơn. Tuy nhiên với những ai thực sự du lịch để trải nghiệm, muốn khám phá ẩm thực và văn hóa Hà thành từ những miền xưa, thì lại không gì rẻ, ngon và hút lòng như bánh khúc.
Dù chẳng thể sánh bằng trăm ngàn thứ đặc sản thủ đô khác, bánh khúc vẫn mang trong mình một phong vị ẩm thực riêng của thức quà dân dã đậm chất Hà thành
Cuối cùng, dẫu có thưởng thức trăm nơi ngàn chốn, vẫn không đâu ngon bằng gói khúc năm nghìn mỗi bận ngồi nhà ngóng chợ mẹ qua.