Bén duyên với Sài Gòn từ khi cô gái xinh đẹp mang tên Thu Cúc phải lòng chàng trai cò hương điển trai mang tên Ngọc Hùng rước nhau về cùng một nhà. Ở Sài Gòn hơn 4 năm, quen và rõ mùi Sài Gòn hơn 18 năm kể từ lần bén duyên đó, Uyên vẫn chưa thể cảm được hết vẻ đẹp của Sài Gòn. Bởi Sài Gòn rộng lớn quá, cái gì cũng hào phóng quá, làm con người ta bối rối không biết bản thân có đang bị mu muội trước tấm chân tình to bự đấy hay không.
Uyên vẫn chưa đủ tự tin khi nói rằng Uyên biết Sài Gòn vừa đủ. Hai năm ròng rã phơi mặt dẫn khách đi ăn đi ngắm gần nát cái Sài Gòn (theo như Uyên nhận định), nhưng chưa lần nào Uyên thực sự dành ra một khoảng thời gian để có thể cảm được Sài Gòn một cách chân thực nhất. Và rồi cơ hội đến, Uyên chính thức khăn gói đi du lịch tại chính mảnh đất này, với một niềm háo hức chưa từng có với cái điều mà mình sắp làm: Trở thành khách du lịch ngay nơi mình ở!
Hành trình khám phá nghệ thuật Sài Gòn
Triển lãm tay nắm cửa và cà phê giàn giáo
Uyên và nàng thơ từ quê nhà xa xôi bắt đầu buổi sáng đầu tiên với một sự kiện nho nhỏ hay ho về kiến trúc mang tên “Tay nắm cửa” được tổ chức ở một quán cà phê siêu chất và độc đáo ở Sài Gòn: Cà phê giàn giáo.
Ý tưởng xây dựng quán được xuất phát từ lý do xung quanh khu vực này không có nhiều cây xanh, nên chủ quán muốn biến cả quán thành một giàn treo bao bọc cây phía bên trong.
Từ giây phút bước chân vào quán, Uyên đã hoàn toàn bị thu hút mạnh mẽ, bởi so với vẻ bề ngoài bụi bặm, đầy chất phủi, không gian và nội thật bên trong quán là một khoảng trời hoàn toàn đối lập. Tinh tế, dễ chịu, nhẹ nhàng là ba từ Uyên có thể dùng để mô tả về cảm giác bên trong mà quán mang lại.
Tuy nhiên đây không phải là điểm thu hút duy nhất bên trong. Uyên và nàng thơ đến đây để chiêm ngưỡng những thứ nhỏ xinh độc nhất vô nhị này:
Tất cả những mảnh ghép các bạn đang nhìn phía trên đều là những chiếc tay nắm cửa, được tạo hoàn toàn từ những phế liệu, vật dụng tưởng chừng như không ai nghĩ có thể gắn vào để có thể tạo ra được một chiếc tay nắm cửa. Nhưng ở đây, trong con mắt của những kẻ mơ, mọi thứ đều có thể.



Một điều thú vị nữa trong buổi sáng hôm đó, Uyên và nàng thơ có dịp tản bộ dọc khu vực dân cư gần đường ray tàu hỏa gần cà phê Giàn Giáo. Cảm giác lang thang và lọt thỏm giữa những căn nhà xập xệ, quán cà phê nhỏ xinh, dọc chân đi là những thanh đường sắt cũ rích, tất cả gợi lên một Sài Gòn rất chân thật, gợi lên cả nỗi nhớ về Hà Nội, về Vinh thân yêu. Tánh kì, ở Sài Gòn mà nhớ Hà Nội.
Sau khi mãn nhãn và cảm thấy như được bơm thêm hàng tá năng lượng vào cơ thể, Uyên và nàng thơ quyết định, tận dụng hết ngày hôm đó khám phá Sài Gòn dưới con mắt của những kẻ yêu nghệ thuật. Và điểm đến tiếp theo cho kế hoạch tuyệt vời này không có gì có thể hoàn hảo hơn ngoài duy nhất một điểm:
Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh
Đây là điểm Uyên đã muốn đi từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa có dịp đặt chân tới bởi sự trì hoãn và lười biếng tột độ của bản thân. Và như một ngọn cỏ đói mưa sau một trận hạn hán, Uyên và nàng thơ thổn thức ôm trọn cái đẹp của bảo tàng trong suốt 2 tiếng đồng hồ cùng niềm say mê chưa từng có.
Phòng tranh nghệ thuật Việt Nam
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh là tư dinh của một thương nhân gốc Hoa tên là Hứa Bổn Hòa. Một trong những người giàu có và nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc bấy giờ khi sở hữu nhiều công trình nổi tiếng khác như Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn,…
Tòa nhà này được xây dựng trong khuôn viên có diện tích lên tới 3.514m² theo phong cách kiến trúc Art-deco. Một kiểu kiến trúc kết hợp hài hòa giữa hai trường phái mỹ thuật Á và Âu. Đây là công trình đầu tiên ở Sài Gòn đưa thang máy vào thiết kế của tòa nhà.
Chiếc cầu thang xoắn ốc trong phòng trưng bày tác phẩm điêu khắc
Tính đến giờ phút này, đây là một trong những bảo tàng mà Uyên yêu thích nhất, có cảm tình nhất và muốn quay trở lại nhất, bởi Uyên cảm thấy hai tiếng chưa đủ dài để có thể cảm nhận được hết bảo tàng này. Uyên để lại một cái hẹn không xa, nhất định sẽ quay trở lại.
Trung Tâm Nghệ Thuật Đương Đại The Factory
Bên ngoài The Factory
Điểm thứ ba trong hành trình thưởng thức nghệ thuật Sài Gòn của hai chị em Uyên. Phải rất cám ơn nàng thơ, bởi nhờ nàng, Uyên cuối cùng mới thực sự cảm được sự thanh thản yên bình hiếm có của Sài Gòn, và cả những góc đẹp đẽ ẩn dấu đằng sau. Tại đây Uyên được gặp những con người tài năng, tâm huyết và đam mê cháy bỏng với nghệ thuật kiến trúc trong triển lãm chính của ngày hôm đó: Triển lãm Cao| Độ| Chiều. (Các bạn có thể click vào link tô đậm để tìm hiểu thêm về triển lãm này).
Không gian sắp đặt trải nghiệm trong triễn lãm
Trong triển lãm này, chủ đề và cũng là điều mà Uyên cảm thấy hứng thú và bị thu hút nhất đó chính là công trình kiến trúc nhà thờ Ka Đơn ở Lâm Đồng do chính những anh chị kiến trúc sư của buổi triển lãm này thiết kế và thi công. Đây thực sự là nhà thờ đẹp nhất ở Việt Nam mà Uyên từng thấy (dù chưa thấy tận mắt). Được ngồi nghe về quá trình nghiên cứu về tôn giáo, xây dựng ý tưởng và quá trình thi công nhà thờ, Uyên như được sống lại một phần của chính mình cùng với những điều vẫn làm Uyên thích thú là văn hóa và tôn giáo.
Bên trong nhà thờ Ka Đơn
Kiến trúc nhà thờ và mô phỏng trong triển lãm Cao/Độ/Chiều
Nhà thờ này đã dành được giải thưởng quốc tế về Kiến Trúc Thánh năm 2016 tại Ý, đây thực sự là một nhà thờ rất rất độc đáo. Uyên chắc chắn sẽ phải thêm nhà thờ vào list những nơi phải đến thăm một lần trong đời!
Về The Factory, các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn ở đây. The Factory đối với các bạn trẻ ưa tìm tòi và yêu nghệ thuật chắc chắn sẽ không thể không biết. Đây là một khu phức hợp nghệ thuật đương đại nằm lọt thỏm giữa khu vực sang chảnh Thảo Điền, Quận 2. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra các event liên quan đến tranh ảnh, triển lãm, kiến trúc, âm nhạc cực kỳ hay ho và xịn sò với kiến trúc container phía bên ngoài. Uyên thì không thích vẻ ngoài của nó cho lắm, nhưng bên trong thì thực sự rất cool.
Ngắm từng đó vẫn chưa đủ. Uyên và nàng thơ quyết định kết thúc hành trình thỏa mãn con mắt bằng một điểm nào đó đậm chất truyền thống và Sài Gòn. Các bạn nghĩ xem đó là điểm nào?
Chùa Bà Thiên Hậu
Nếu nói về kiến trúc của Sài Gòn, nói về văn hóa, tín ngưỡng, tính địa phương của Sài Gòn ở đâu thể hiện rõ nhất, Uyên sẽ chỉ người đó đến ngay chùa bà Thiên Hậu – ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn. Đây là một trong những điểm tham quan ở Sài Gòn có chỗ đứng trường tồn nhất trong lòng Uyên. Không chỉ bởi vì kiến trúc tuyệt đẹp và tinh xảo của nó, mà còn ở cái chất văn hóa và tín ngưỡng đậm đặc, mạnh mẽ, thiêng liêng của nó.
Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc giữa khu vực trung tâm quận 5, nơi gần 1/3 người Hoa ở Sài Gòn sinh sống từ thế kỷ 17 cho đến nay, vừa bằng luôn độ tuổi của chùa Bà. Người Hoa từ lâu đã trở thành một cộng đồng không thể tách rời với lịch sử của Sài Gòn, thế nên từ đó tất cả những gì thuộc về văn hóa người Hoa từ thời xa xưa, cũng đã trở thành một phần văn hóa của Sài Gòn.
Tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu cũng từ đó luôn luôn gắn liền với cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn. Tín ngưỡng này quan trọng với người Hoa không chỉ ở Sài Gòn, mà còn ở khắp tất cả mọi nơi trên thế giới nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống.
Tạo dáng kiểu khách du lịch điển hình
Các bạn đã từng thử cảm giác trở thành khách du lịch ở nơi bạn sống – một nơi đã quá quen thuộc với bạn chưa? Nếu chưa, ăn bận đẹp lên, đeo kính mát vào, vác bác lô sau lưng, điên hơn nữa thì book một phòng khách sạn cách xa nhà như Uyên, lên đường thưởng thức một thành phố lạ mà quen, Uyên cam đoan các bạn sẽ chẳng bao giờ thất vọng với trải nghiệm này. Have fun!
Leave a Reply