“Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc.”
Uyên đã vẫn từng ngây ngô nghĩ rằng, tư tưởng và thế giới quan của một con người là thứ cực kỳ khó thay đổi, và chỉ có những thứ to tát lớn lao mới có được sức mạnh vô biên đó.
Nhưng càng lớn, mới nhận thức được rằng, bộ não, trí óc và thế giới quan của con người không bao giờ có giới hạn, nó được nuôi dưỡng, phát triển từng ngày bởi những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống, theo thời gian lớn lên, phong phú lên, và thay đổi theo từng mốc thời gian của cuộc đời.
Sách có lẽ là một trong những điều “nhỏ bé” đó, có sức mạnh vô hình làm con người ta thay đổi góc nhìn về thế giới một cách cực kỳ mạnh mẽ, để từ đó hiểu bản thân hơn, biết cảm thông hơn, biết chia sẻ nhiều hơn. Để Uyên cho các bạn xem một phần “thế giới” nhỏ bé của Uyên qua sách lần này, để xem Uyên có những gì hay ho trong đầu nha.
Khi lỗi thuộc về những vì sao

Thú nhận luôn là Uyên tìm đến cuốn sách này sau khi xem phim (ngại quá). Thường thì người ta đọc sách rồi mới xem phim, nhưng Uyên đã phá luật làm điều ngược lại. Truyện là một bức tranh giản dị nhưng không mấy màu hồng về hai nhân vật Hazel và Augustus – 2 con người cùng chung số phận mang trong mình hai căn bệnh quái ác, đếm từng ngày cuối cùng của cuộc đời.
Nếu ai đã từng xem bộ phim cùng tên được đạo diễn bởi Josh Boone, sẽ cảm thấy như đây là một câu chuyện tình bi đát ướt át như trong một bộ phim Hàn. Đó là lý do chính khiến Uyên yêu thích cuốn sách hơn sau khi được chiêm nghiệm nó.
Đơn giản bởi lẽ John Green không pha vào cuốn tiểu thuyết của mình những tình tiết hoa mỹ, ướt át, đau khổ, mà ông tập trung vào những chi tiết đời thường nhất, những tâm lý thật nhất của những con người đang cận kề với cái chết và mong cầu tình yêu cho bản thân mình.
Có một ý niệm mà Uyên rất thích trong một câu thoại của nhân vật Augustus khi nói với Hazel khi ngậm điếu thuốc trên môi: “Ta có thể đặt cái thứ giết người này giữa hai hàm răng mà không cho nó sức mạnh để giết ta”.
Điều mà Augustus nghĩ, cũng chính là sức mạnh kéo anh ở bên cạnh Hazel. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở tình yêu, mà còn là những bài học về cuộc sống đầy sự chân thật của những người trẻ, khi sống trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, thứ còn lại vẫn trường tồn là niềm sống hết mình, sự yêu thương vô điều kiện, bất chấp những trở ngại của tạo hóa và số phận. Như Shakespeare vẫn nói: “The fault is not in our stars, but in ourselves”.
Chiến binh cầu vồng

Nếu một sáng thức dậy các bạn vẫn chày cối đấu tranh tư tưởng rằng hôm nay nên cúp học hay ở nhà trùm chăn nằm ngủ, thì chắc chắn buổi chiều sau đó các bạn nên vớ ngay và liền Chiến Binh Cầu Vồng để đọc (nếu sáng hôm đó bạn quyết định cúp học).
Ở đâu đó trên một hòn đảo xinh đẹp mang tên Belitong ở phía Tây Indonesia, có 10 đứa trẻ vẫn hằng ngày háo hức chực chờ sáng dậy để đạp xe đến trường, ôm một hy vọng to lớn rằng trường sẽ không đóng cửa để có thể tiếp tục đi học.
Những “chiến binh” trong truyện không phải là những người làm nên những chuyện lớn lao. Mà là những “chiến binh” thầm lặng hằng ngày đạp xe hàng chục cây số, vượt qua bao nhiêu đoạn đường gian khó để đến trường, là những “chiến binh” nhẫn nại tâm huyết với 10 đứa học sinh bé xíu trong một lớp học xập xệ hơn trăm tuổi, đến khi chết gục trên bàn vẫn không một ai biết.
“Chiến binh cầu vồng” là một câu chuyện dễ dàng lấy đi nước mắt, nhưng cũng đem lại cho người đọc nhiều nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc nhờ những sự nỗ lực và tinh thần vượt khó không ngừng nghỉ của những con người nơi đây.
Dù cầu vồng đã không xuất hiện vào phút cuối như mong đợi, nhưng tất cả những ước mơ và quá trình đấu tranh đẹp đẽ của những đứa trẻ và 2 người thầy tận tâm ở Belitong đã là một cầu vồng hoàn hảo nhất cho bản thân câu chuyện.
Bắt trẻ đồng xanh

Nếu có thể gói gọn con người, tâm hồn, tính cách và bản chất của Uyên trong một cuốn sách, thì đó sẽ là cuốn Bắt trẻ đồng xanh.
Holden Caufield, nhân vật chính cũng như là người nắm vai trò kể lại toàn bộ câu chuyện cuộc đời mình, là một kẻ quá mức kỳ lạ ở một độ tuổi vị thành niên. Kỳ lạ Uyên nói ở đây là kỳ lạ ở sự mâu thuẫn và đối lập trong tính cách của Holden.
Bản thân Holden là một người rất được lòng mọi người, dễ mến, dễ được người khác chia sẻ cùng. Nhưng sâu thẳm, Holden là một thanh niên đầy mang đầy sự gai góc và chua chát ở cách nhìn nhận những vấn đề và con người xung quanh cậu ta.
Holden nhìn thấy mọi mặt trái và góc khuất ở tất cả những gì trước mắt cậu ta, và thường ném cho chúng một sự suy ngẫm và kết luận phũ phàng trần trụi.
Tôi luôn nói rằng “rất vui khi gặp bạn” với ai đó dù khi gặp họ tôi không cảm thấy vui. Nếu bạn muốn tồn tại, bạn phải nói, tuy là nó ngớ ngẩn.
“Tôi thông cảm cho một người đi xem phim vì anh ta không còn gì để làm, nhưng nếu anh ta đi để tiêu khiển thì tôi sẽ thất vọng lắm.”
Bắt trẻ đồng xanh không phải là một cuốn sách khó đọc, nhưng để có thể chấp nhận, nuốt trôi và thẩm thấu từng dòng tư tưởng của một cậu thanh niên kỳ lạ như Holden, thì không phải ai cũng làm được đối với cuốn sách này.
Không phải tự nhiên mà Bắt trẻ đồng xanh từng là cuốn tiểu thuyết bị cấm truyền bá và giảng dạy ở hầu hết các trường trung học ở Mỹ vào những năm 1960 bởi ngôn từ không mấy nhẹ nhàng và tư tưởng tâm lý phản xã hội trong tác phẩm. Cho đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều tranh cãi về vấn đề đạo đức và tâm lý ở cuốn tiểu thuyết đã quá nổi tiếng và đi vào lịch sử văn học này.
Dù đúng hay sai, hay hay dở, đối với Uyên khi đọc Bắt trẻ đồng xanh, Uyên thấy một phần bản thân mình ở Holden, và điều Uyên quan tâm hơn hết trên tất thảy những định nghĩa và kết luận gay gắt của Holden về cuộc sống, điều làm Uyên cảm thấy được chạm vào trái tim, là kể cả khi mang trong mình bột bộ óc lạnh lùng như vậy, Holden vẫn còn có cả một trái tim và tình yêu thương đặc biệt cho cô em gái của mình – Phoebe.
Cách mà Holden thể hiện nó, không cần phô trương, chỉ giản dị và mộc mạc thôi, nhưng nó cũng đủ để làm bật lên phần mềm yếu nhất trong phần người của bất cứ ai. Uyên có thể tự tin nói rằng Uyên có thể bật khóc ngon lành khi đọc Bắt trẻ đồng xanh, chỉ đơn giản bởi vì Uyên tìm thấy Uyên ở trong cuốn sách, thật và rung động một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sự im lặng của bầy cừu

Để nói về tác phẩm này, Uyên thật sự không biết bắt đầu từ đâu. Bởi có quá nhiều thứ Uyên muốn nói về tuyệt tác này, cả tác phẩm điện ảnh và văn học của nó.
Sự im lặng của bầy cừu là cuốn tiểu thuyết (và bộ phim) kinh dị tâm lý đầu tiên Uyên đọc và xem. Cho đến tận bây giờ, Uyên vẫn không khỏi ám ảnh về nhân vật Hannibal Lecter – nhân vật chính trong tác phẩm. Hannibal có lẽ là nhân vật kỳ lạ nhất trong lịch sử điện ảnh và văn học ở thể loại kinh dị.
Vì sao Uyên nói kỳ lạ nhất? Bởi vì chẳng có một tên điên cuồng ăn thịt người nào lại đạt được độ uyên bác, lịch lãm, bình thản và đàn ông như Hannibal. Có thể một số người cảm thấy kinh tởm và chỉ chăm chú vào chi tiết rằng một bác sĩ tâm lý lại trở thành một tên giết người và ăn thịt đồng loại quy mô kinh khủng như Hannibal, nhưng với Uyên, từ đầu đến cuối trong suốt quá trình thưởng thức bộ phim cũng như cuốn tiểu thuyết, Uyên không hề tỏ ra một thái độ kinh tởm với nó, mà thay vào đó lại bị cuốn hút và hứng thú một cách lạ lùng bởi cách khai thác tâm lý nhân vật quá khéo léo của Thomas Harris – tác giả của cuốn tiểu thuyết.
Không có một sự ngẫu nhiên hay thiên vị nào khi mà Sự im lặng của bầy cừu là tác phẩm được chuyển thể thành phim ở mục kinh dị tâm lý duy nhất ẵm trọn 5 giải Oscar cho bộ phim hay nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, nam diễn viên chính xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và kịch bản hay nhất vào năm 1991.
Đây cũng là tác phẩm đầu tiên thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và tư tưởng của Uyên về hạng mục phim kinh dị. Và kể từ sau Sự im lặng của bầy cừu, Uyên đã hoàn toàn bị thôi miên vào thế giới bí ẩn sâu sắc của thể loại kinh dị tâm lý. Đây sẽ luôn luôn là tác phẩm yêu thích nhất mọi thời đại của Uyên, chắc chắn là như vậy.
Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất

Có bốn tính từ Uyên muốn dùng để gói gọn toàn bộ cảm xúc của Uyên về Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất: Trào phúng, hài hước, lạ lùng và đầy cảm hứng.
Nếu các bạn đang tìm một cuốn sách nào đáp ứng được hết tất cả được những yếu tố liên quan đến: khám phá, lịch sử, tình cảm, triết lý sống, hư cấu, phi hư cấu, tiểu thuyết, phi tiểu thuyết, vừa thực vừa ảo, vừa cười được vừa khóc được,…Thì để Uyên khẳng định với các bạn luôn, là không có cuốn nào phù hợp hơn cuốn Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất.
Để tóm gọn nội dung cho các bạn, thì truyện kể về chuyện một ông già tên Allan Karlsson vào ngày sinh nhật thứ 100 của mình, đột nhiên trèo qua cửa sổ của một viện dưỡng lão ở Thụy Điển và biến mất. Một cuộc truy lùng ông già khắp đất Thụy Điển diễn ra song song cùng một cuộc truy đuổi một tên tội phạm khét tiếng khác – người cuối cùng có một sự liên hệ ngớ ngẩn với ông già bằng việc trao nhầm chiếc vali chứa 50 triệu crown cho ông ta.
Phần lớn nội dung truyện kể về cuộc đời đầy chiến tích trong quá khứ của ông cụ từ thời đại chiến thế giới lần thứ nhất cho tới hôm nay. Truyện dù mang những chất hài hước trào phúng thú vị, nhưng lại lồng ghép và tái hiện lại lịch sử của thế giới và cả văn hóa của vùng Bắc Âu cực kỳ khéo léo. Truyện đã thực sự làm Uyên bị cuốn vào những sự kiện lịch sử khô khan mà trước kia Uyên chẳng bao giờ muốn ngó ngàng tới.
Khi hơi thở hóa tinh không

Khi hơi thở hóa tinh không là một trong những cuốn sách hiếm hoi ở thể loại tự truyện, liên quan đến triết lý sống, nghị lực sống trong tủ sách của Uyên. Thường Uyên hay né tránh các đầu sách như thế này vì bản thân Uyên không thích đọc những sách có những giọng văn mang màu sắc triết lý sống dày đặc.
Nhưng đối với cuốn sách này, Uyên thực sự đã có một cái nhìn rất khác. Paul Kalanithi – tác giả cuốn tự truyện, là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi ở tuổi 37. Phần lớn cuốn truyện kể về cuộc đời của Paul với vai trò của một bác sĩ. Những mảnh ghép và chi tiết về cuộc sống của những người bác sĩ qua lời kể của Paul hiện lên chân thực hơn bao giờ hết.
Đứng trước những tháng ngày vật lộn với căn bệnh quái ác của mình, Paul đã có thể lựa chọn cho mình một con đường là buông xuôi tất cả, chấp nhận cái chết. Nhưng không, Paul vẫn chiến đấu với nó, vật lộn với nó, và cố níu giữ một niềm sống nhỏ bé cho riêng mình, bằng văn chương và bằng tình yêu thương.
“Tôi cần chữ nghĩa để tiến lên phía trước. Văn chương đã mang tôi trở lại với cuộc đời trong suốt thời gian đó. Ngay cả khi tôi phải chết, tôi vẫn sống cho tới lúc thực sự ra đi. Bạn sẽ làm gì khi con đường phía trước không biết là còn dài bao nhiêu? Sẽ sống từng ngày đó như thế nào?”
Uyên rất yêu thích cách mà người dịch dịch tựa đề của truyện (Bản dịch thực hiện bởi Trần Thanh Hương), đặc biệt ở hai chữ “thinh không”, vừa cực sát nghĩa cũng như tinh thần của tự truyện, vừa mang đậm màu sắc Phật giáo nhẹ nhàng mà không bị hàn lâm hóa. Đây sẽ là cuốn tự truyện “best seller” trong lòng Uyên cũng như đúng chất “best seller” dành cho bạn đọc khắp thế giới.
Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử

Sách kể về cô nàng tên Nombeko, sinh ra và lớn lên ở Johannesburg, thành phố lớn nhất của Châu Phi. Nombeko là một cô gái nhỏ bé nhưng mang trong mình một tâm hồn và một nghị lực lớn lao thoát khỏi cuộc đời trong khu ổ chuột của cô để đến với đất nước Thụy Điển. Từ đó cuộc đời Nombeko rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, khi cô gặp được cặp sinh đôi Holger, những kẻ có âm mưu lật đổ vương triều.
Nếu những ai chưa từng đọc qua tác phẩm kỳ cựu này trước đó của Jonas, thì khi đọc Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử sẽ cảm thấy cực kỳ mới lạ và thích thú cùng với những chi tiết tái hiện lịch sử vô cùng sống động và thú vị – một yếu tố mang đầy màu sắc của Jonas. Nhưng nếu đã từng đọc qua Ông trăm tuổi và đọc sang Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử thì có thể sẽ cảm thấy phong cách không có gì nhiều mới mẻ. Dù vậy, Jonas vẫn luôn rất sáng tạo trong cách dẫn dắt chi tiết truyện và khéo léo lồng ghép các yếu tố lịch sử chính trị của thế giới trong từng câu chữ.
Một điều mà Uyên luôn rất thích ở những tác phẩm của Jonas, đó là cách ông dùng giọng điệu cay độc châm biếm, hài hước để nói về chính trị, lịch sử, tôn giáo, con người của bối cảnh hiện tại nhưng vẫn làm cho người đọc không cảm thấy phản cảm hay bị đụng chạm, và luôn luôn truyền tải được những thông điệp về cuộc sống, tình yêu rất tinh tế, không hề hoa mỹ, phô trương.
Uyên thường không thích và không quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị (thực ra là không muốn biết nhiều đến nó), nhưng qua những tác phẩm của Jonas Jonasson, chính trị chỉ còn là những trò chơi ngắn ngủi mờ nhạt,và cuối cùng sẽ chỉ còn lại những cuộc sống của những con người nhỏ bé nhưng tâm hồn lại chứa đựng bao nhiêu hoài bão và ước mong đẹp đẽ.
Người đua diều

Người đua diều là tác phẩm văn học đến từ tác giả có nguồn gốc Trung Đông đầu tiên mà Uyên đọc. Tác phẩm là câu chuyện kể về hai nhân vật Amir và Hassan, đôi bạn thân từ thuở thơ bé sinh ra và lớn lên ở thành phố Kabul, thủ đô của Afghanistan.
Khaled Hosseini – tác giả của Người đua diều, đã đưa người đọc quay ngược thời gian bằng lời kể của Amir, trở lại hơn 20 năm về trước, khi Amir và Hassan vẫn còn là những cậu bé 12 tuổi sống trong vòng tay ấm áp của cha mẹ. Tình bạn của Amir và Hassan kéo dài không được bao lâu, thì Hassan gặp phải sự cố bị hành hạ bởi những lũ trẻ xấu xa trong một cuộc thi đua diều cùng Amir. Amir đã không ra tay cứu Hassan, bởi vì sự hèn nhát và nhu nhược của cậu. Thậm chí Amir còn trở thành một kẻ dối trá, khiến cha con nhà Hassan phải rời khỏi nhà.
Chiến tranh, loạn lạc ở quê nhà đã đưa đẩy Amir và gia đình đến với đất Mỹ. Nhưng những nỗi ám ảnh và sự dằn vặt lương tâm trong Amir vẫn cứ khắc khoải suốt quãng đời của anh. Cuối cùng, định mệnh đưa đẩy Amir trở về lại Afghanistan để cứu con trai của Hassan khỏi tay quân phiến loạn Taliban, cũng như để chuộc lỗi với những gì Amir đã gây ra với người bạn thuở còn thơ của mình.
Afghnistan hiện lên thanh bình và giản dị hơn bao giờ hết dưới ngòi bút của Khaled Hosseini, một điều hoàn toàn trái ngược với tất cả những gì chúng ta vẫn thường hay nghe và mường tượng về một đất nước loạn lạc, chiến tranh, giết chóc ở xứ Trung Đông xa xôi. Hãy đọc, cảm nhận và thấu hiểu, để biết rằng những gì chúng ta vẫn thường cố gán cho nó một hình tượng, định nghĩa, luôn luôn có những góc khuất cần được chạm tới, và cần được trân trọng hơn bao giờ hết.
Lolita

“Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta.
Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.”
Hmm, Uyên thật sự không biết phải bắt đầu như thế nào khi nói về tác phẩm đình đám này. Cảm giác này y hệt đối với Bắt trẻ đồng xanh của J.D Salinger, rất khó tả thành lời, và Uyên không biết mình nên yêu thích đến cuồng nhiệt hay ghét bỏ một cách cay đắng với cả hai tác phẩm này.
Lolita được Vladimir Vladimirovich Nabokov hoàn thành vào năm 1955 bằng tiếng Anh và được chính ông dịch ra tiếng Nga 12 năm sau đó. Đây là một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất trong làng văn học thế giới, bởi những quy tắc đi ngược với đạo đức nhân loại của những nhân vật trong truyện – một Humbert Humbert trên 50 tuổi mang một sự ám ảnh nhục dục về những cô gái tuổi mới lớn, một Lolita phá hoại chính tâm hồn non trẻ của mình để chạy theo những dục vọng của cuộc sống.
Rất khó để nói rằng Uyên có thật sự thích Lolita hay không, nhưng Uyên dám chắc một điều rằng, Lolita là cuốn tiểu thuyết đầy chất thơ và chứa đựng những câu từ tinh tế nhất Uyên từng đọc. Nói đúng hơn, là tiểu thuyết có bản dịch tinh tế nhất Uyên từng đọc (Bản dịch của Thiên Lương). Bản thân Lolita là một tác phẩm rất khó đọc cũng như rất khó dịch. Để hiểu được sâu sắc và tường tận những câu chữ của Nabokov, người dịch phải là người có một sự đồng điệu nhất định ít nhất về tư tưởng và trải nghiệm sống như của tác giả.
Lolita chắc chắn không phải một tác phẩm thuần túy gợi dục rẻ tiền như nó đã từng được số đông nhìn nhận cách đây hơn 60 năm khi tác phẩm mới ra đời. Lolita chứa đựng nhiều hơn thế. Lolita thổn thức, trăn trở với tâm lý trong phần sâu thẳm nhất của con người. Lolita tội lỗi cam chịu, chấp nhận thứ tình yêu ngang trái giữa hai thể xác vốn không sinh ra dành cho nhau. Lolita nhắm mắt biến những nghịch lý trở thành vần thơ. Lolita thực sự có nhiều điều hơn thế.
Chú bé mang Pyjama sọc

Uyên luôn để những thứ cuối cùng như một điều Uyên trân quý nhất. Như người ta thường nói: “Save the best for last”. Uyên để dành nói về Chú bé mang Pyjama sọc như một cuốn sách có sức mạnh chạm tới trái tim, tâm hồn, thế giới quan của Uyên một cách rõ rệt và đầy cảm xúc nhất.
Tóm tắt nội dung của một cuốn sách dày hơn 200 trang đã là một điều khó, tóm tắt nội dung của một cuốn sách dày hơn 200 trang như Chú bé mang Pyjama sọc lại càng là một điều khó hơn trăm vạn lần.
Đơn giản vì những cuốn sách như thế này, cần được dành cho bản thân nó một sự bí ẩn nhẹ nhàng, một sự khơi gợi tò mò đầy hào hứng, từ đó làm con người ta bị lôi cuốn một cách lạ lùng vào nó, cộng thêm những phán đoán, chờ mong trong mông lung, để rồi tất cả vỡ òa, xúc động, thổn thức với cái kết của cuốn sách.
Uyên xin được phép không miêu tả, không giới thiệu gì nhiều về cuốn sách này. Uyên chỉ xin trích lại một phần mở đầu giới thiệu phía sau bìa sách của Nhã Nam về cuốn sách – những lời giới thiệu mà theo Uyên, mang đủ những cung bậc cảm xúc như Uyên đã nói mà các bạn nên và sẽ trải qua trước khi đọc Chú bé mang Pyjama sọc. Và nếu cuốn sách chưa đủ để các bạn cảm nhận, hãy tìm đến bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách. You’ll thank me later!
Rất khó miêu tả về câu chuyện Chú bé mang Pyjama sọc này. Thường thì chúng tôi vẫn tiết lộ vài chi tiết về cuốn sách trên bìa, nhưng trong trường hợp này sẽ làm hỏng cảm giác đọc của bạn. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là bạn nên đọc mà không biết trước nó kể về điều gì.
Nếu bạn định bắt đầu đọc cuốn sách thật, bạn sẽ cùng được trải qua một hành trình với một cậu bé chín tuổi tên là Bruno (dù đây không hẳn là sách cho trẻ chín tuổi). Và chẳng sớm thì muộn bạn sẽ cùng Bruno đến một hàng rào. Những hàng rào như vậy vẫn tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi hy vọng không ai trong chúng ta phải vượt qua một hàng rào như vậy trong đời.
Còn các bạn, kể cho Uyên nghe cuốn sách nào có ma lực thay đổi hoàn toàn thế giới quan của các bạn đi, comment phía dưới nếu các bạn muốn share cho Uyên những cuốn sách yêu thích của các bạn nha 🙂
Leave a Reply