Tháng này các bạn đã lấp đầy trang Expense Tracker của mình chưa? Hết tết rồi và các bạn đã ngồi xuống tính toán xem tháng này mình ăn xài hết bao nhiêu tiền chưa? (Và có bị giật bắn mình hay không?)
Uyên thấy có rất nhiều bạn hí hoáy trang trí và ngấu nghiến viết vào trang Expense Tracker (trang quản lý chi tiêu trong Bujo), mà quên đi rằng mục đích cuối cùng của việc ghi chép chi tiêu lại là để tiết kiệm và điều chỉnh chi tiêu của mình tốt hơn.
Uyên cũng đã từng như thế, đơn thuần viết xuống những khoản đã tiêu trong ngày, cuối tháng tổng kết tổng số tiền đã tiêu, nhưng lại quên đi bước thực sự nhìn nhận cách chi tiêu của mình và rút kinh nghiệm từ đó.
Và một ngày tình cờ, Uyên biết đến phương pháp Kakeibo.
Vậy Kakeibo là cái qq gì và áp dụng nó cho Bullet Journal như thế nào?
Kakeibo là một phương pháp ghi chép chi tiêu hằng ngày, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1904 tại Nhật Bản, và được giới thiệu rộng rãi bởi một nữ nhà báo tên Hani Motoko.
Nhưng phương pháp Kakeibo thì có khác biệt gì so với phương pháp ghi chép chi tiêu thông thường?
Nếu bình thường, một trang Expense Tracker của bạn chắc hẳn sẽ có một layout tương tự như thế này:
Mẫu Expense Tracker truyền thống
Thường thường các bạn sẽ chỉ liệt kê ra các mục chính là: Ngày tháng, mô tả các khoản chi tiêu, số tiền, hạng mục, loại tiền chi tiêu và total.
Nhưng với phương pháp Kakeibo, bạn sẽ có hẳn một bản cẩm nang chi tiết đi sâu vào việc quản lý chi tiêu của mình.
Áp dụng phương pháp Kakeibo như thế nào?
Bước 1: Vạch ra số tiền (thu nhập) bạn có mỗi tháng. Tức tổng số tiền bạn kiếm được/tiền đi vào ví bạn mỗi tháng là bao nhiêu.
Bước 2: Xác định và viết xuống tất cả các chi phí cố định hằng tháng mà bạn sẽ phải tiêu tốn. VD như tiền nhà, tiền internet, tiền điện nước,…để biết trước số tiền cố định bạn chắc chắn tiêu trong tháng đó.
Bước 3: Xác định số tiền bạn muốn để dành hằng tháng, cất riêng vào một khoản và gắng đừng đụng vào số tiền này
Bước 4: Ghi xuống chi tiết những khoản tiêu hằng ngày theo 4 mục chính:
Thiết yếu: Ăn uống, tiền xăng xe,…
Tiêu vặt: Thuốc thang, ăn nhà hàng, tiền điện thoại, tiền 4g,…
Giải trí: xem phim, nghe nhạc, sách vở, báo chí,…
Phát sinh: tiền phúng điếu, đám cưới, sửa chữa,…
Bước 5: Kẻ một cột chia thành 2 mục xác định nhu cầu của bạn giữa thực sự cần thiết và mong muốn.
Để làm chi? Để xác định xem khoản đó mình có thể tiết kiệm được cho lần sau hay phải bắt buộc tiêu ngay thời điểm đó, nhằm đưa ra quyết định chi tiêu sáng suốt hơn.
Bước 6: Tổng kết cuối tháng số tiền đã tiêu và so sánh với số tiền hạn mức ban đầu bạn có, trừ ra khoản bạn muốn tiết kiệm đã cất riêng (ở bước 3), và xem xem tháng đó bạn có tiết kiệm thêm được đồng nào không hay lại âm? Từ đó rút ra bài học chi tiêu cho tháng sau.
Mẫu phương pháp Kakeibo của Uyên
Nhớ rằng, phương pháp nào cũng sẽ chẳng có hiệu quả nếu bạn không thực sự mong muốn có được một kết quả CÓ HIỆU QUẢ.
Chúc các bạn tiết kiệm được nhiều tiền để đi tơi nha! xD
Nếu các bạn nghĩ rằng chỉ cần làm đúng từng bước một theo phương pháp ghi chép Bullet Journal, siêng năng sắp xếp mọi thứ vào một cuốn Bujo đầy quyền lực thì cuộc sống của bạn đã đủ dễ dàng rồi thì quên đi, các bạn sẽ (sớm) tìm thấy ti tỉ thứ rắc rối hơn nữa trong quá trình làm Bullet Journal của mình cho mà xem.
Để cuộc sống và hành trình Bullet Journal được (trăm lần) dễ dàng hơn, mình rút ra được một ít mẹo “hack” Bullet Journal (hay các bạn có thể gọi là “lách”), từ đó mình có thể sắp xếp công việc nhanh chóng hơn, và tăng độ hiệu quả cũng như năng suất làm việc hơn.
Đừng chỉ để cuốn Bujo của bạn làm vật trang trí nha. Well, shall we?
1. Thêm một ngăn chứa phía cuối cuốn Bullet Journal
Dù có bao nhiêu công cụ hiện đại như điện thoại để hỗ trợ việc lưu giữ hóa đơn, lịch sử giao dịch, thông tin cần nhớ hiện nay cho các bạn, nhưng tin Uyên đi, còn những hóa đơn lúc bạn mua hàng bên ngoài, mấy cái sticker nho nhỏ, mấy mảnh note đồng nghiệp bạn bè viết tay để lại, không giữ được trong điện thoại thì bạn cất đi đâu?
Chiếc ngăn đựng cuối cuốn sổ Bullet Journal của mình là thứ làm được điều đó. Bao nhiêu thứ lặt vặt mình muốn lưu giữ lại để note lại vào Bujo, mình đều có chỗ để cất vào một cách nhanh chóng và dễ lấy.
Hiện tại các dòng sổ ở Việt Nam mình chưa thấy dòng sổ chuyên cho Bullet Journal nào có ngăn đựng chuyên biệt phía cuối sổ ngoài dòng sổ của Threedots. Và nói dòng sổ này là Moleskin or Leutchturm của Việt Nam thiệt không sai, vì nó đáp ứng được hầu hết yếu tố của một cuốn Bullet Journal.
Nếu sổ của các bạn không có, các bạn có thể tự chế một ngăn đựn phía sau cực kỳ đơn giản. Không tốn nhiều thời gian mà lại cực tiện, thử làm xem sao nha!
Nguồn: Jetpen
2. Luôn có một xấp Sticky Note dán sẵn trong Bullet Journal
Nhiều bạn hỏi là đã có Bullet Journal thì dán thêm Sticky Note để làm gì?
Có nhiều trường hợp trong một ngày bạn có quá nhiều việc để ghi nhớ, thì thay vì không đủ chỗ để viết thêm, hoặc viết quá nhiều trong một mặt giấy sẽ khó nhớ việc nào quan trọng nhất, thì Sticky note sẽ tạo thêm hẳn một trang nữa cho bạn viết, và khi mở sổ ra bạn biết ngay những task quan trọng cần nhớ trên chiếc Sticky Note đó.
Hơn nữa, bạn có thể di chuyển, hoặc nháp nhanh những idea chợt lóe, và dán một cái bụp lên chỗ nào cần trong cuốn Bujo, quá tiện phải hem?
Tip: ghim/dán sẵn một tệp Sticky Note sau gáy/ngăn đựng của Bujo, khi cần khỏi đi kiếm và lấy được nhanh hơn
Nguồn: Pinterest
3. Khỏi làm ngăn đựng bút, vắt chéo dây sổ qua Bujo là xong!
Mẹo này chắc nhiều bạn cũng đã biết rồi. Thay vì phải tìm kiếm cây bút viết yêu thích của bạn khắp nơi, hay phải mua sổ có đồ cắm bút bên cạnh, thì có một cách dễ hơn là vắt chéo dây cột sổ sang một bên, là bạn đã có một nơi cắm bút tiện dụng rồi.
Nguồn: Journaljunkies
4. Dùng phương pháp Dutch Door
Phương pháp Dutch Door trong Bullet Journal khá phổ biến, tuy nhiên ở Việt Nam mình ít thấy bạn nào làm, mình nghĩ chắc vì nhiều bạn chưa thực sự nhận ra/quan tâm đến sự hiệu quả phương pháp này mang lại
Vậy phương pháp Dutch Door là gì? Các bạn có thể đọc thêm chi tiết về phương pháp này mà mình đã viết ở đây để tham khảo thêm nha.
Nguồn: Journaljunkies
5. Đánh số các trang theo chuỗi
Ví dụ như các bạn có một chuyên mục kéo dài từ trang 1 đến trang 5, thì thay vì phải lật sổ đi tìm từng trang một hoặc đánh số cho từng trang, thì các bạn hãy đánh số ở duy nhất một trang thôi. Mẹo này sẽ giúp các bạn biết chắc những trang cần tìm sẽ nằm trong số nào, và không phải cất công đi tìm từng trang một nữa.
Ví dụ như Weekly Spread (1-5)
Nguồn: Pinterest
6. Dùng washi tape đánh dấu trang
Washi Tape là một trong những cách đánh dấu trang Uyên cảm thấy thẩm mỹ và tính ứng dụng cao nhất. Không chỉ giúp việc đánh dấu trang được dễ dàng hơn, rõ ràng hơn, mà washi tape còn làm cho trang Bujo chắc chắn hơn, giữ được sổ bền hơn.
Nguồn: @michelleyuen
Các bạn còn mẹo nào hay hơn để hack cho Bullet Journal thì comment phía dưới cho Uyên biết với nha. Chúc các bạn Bullet Journal vui! xD
Trong quá trình sử dụng Bullet Journal, có rất nhiều lúc mình cần thêm chỗ để viết ra công việc hằng ngày. Và mình loay hoay ngồi nghĩ ra cách thiết kế layout theo tuần theo hướng hiệu quả hơn.
Và mình biết đến phương pháp Dutch Door.
Vậy phương pháp Dutch Door là gì?
Trong một ngôi nhà, Dutch Door là một cánh cửa được chia ra để một nửa có thể mở trong khi nửa còn lại được cố định. Đây là một giải pháp mà bạn có thể mở nửa trên của cánh cửa của bạn để hóng gió, trong khi đó nửa dưới của cánh cửa vẫn an toàn để bảo vệ những thứ khác từ bên trong.
Tương tự với Bullet Journal cũng vậy
Bạn tạo một phần của trang vẫn cố định và một phần khác có thể điều chỉnh như bình thường. Nghe có vẻ khó hiểu nhưng nhìn vào ảnh sẽ cực kỳ dễ hiểu.
Khi bạn sử dụng phương pháp này, bạn sẽ phải cắt bỏ một phần các trang của mình.
Bằng cách này, Monthly Spread của bạn sẽ luôn hiển thị ở đầu trang, và bên dưới là daily spread/weekly sẽ luôn hiển thị bên dưới ngay cả khi bạn lật trang.
Nguồn: Pinterest
Phương pháp Dutch Door dọc
Khi bạn sử dụng phương pháp Dutch Door theo chiều dọc, bạn chỉ cần gấp một nửa trang là được.
Các bạn không cần phải cắt hoặc xóa bất kỳ trang nào hết, phần gấp bên trong có thể được sử dụng cho những thứ bạn muốn giữ riêng tư – như danh sách quà
Nguồn: Pinterest
Dùng Dutch Door làm book mark
Ngoài việc ghi chép ra, thì các bạn cũng có thể dùng Dutch Door như một chiếc Book Mark xinh xắn để phân các phần trong Bullet Journal. Hoặc để mang tính ứng dụng hơn, mỗi khi làm một trang Bujo bị sai, bị xấu, các bạn có thể biến nó thành một trang Dutch Door, cắt xén vẽ vời cho đẹp lên, làm bookmark luôn mà không cần xé trang đó đi, tiện quá đúng không?
Nguồn: Ourartworld
Chúc các bạn thiệt năng suất và sáng tạo với Bullet Journal! xD
Hỡi những bạn đã gắn bó với Bullet Journal một thời gian dài (từ 1 năm trở lên), hay cả những bạn hoàn toàn mới bắt đầu làm Bullet Journal, đã bao giờ các bạn cảm thấy muốn quăng hết sổ và bút ra ngoài cửa sổ, vớ lấy cái điện thoại đặt nhắc nhở cho xong cho rồi chưa?
Hay đơn giản là trong một phút chán đời, bạn nhìn xuống cuốn sổ đẹp đẽ của mình và thốt lên “shit, tốn thời gian vãi đ*í!” chưa? Nếu có 1 trong 2 dấu hiệu trên, hoặc những dấu hiệu tương tự, thì chỉ có hai câu trả lời. Một là các bạn chưa thực sự hiểu rõ Bullet Journal là gì. Và hai là các bạn chưa có đủ cảm hứng và động lực để làm Bullet Journal.
Còn lấy động lực và cảm hứng để duy trì làm Bullet Journal thì lấy đâu ra và như nào?
Dừng việc “thẩm mỹ hóa” quá đà cho Bullet Journal
Uyên biết có nhiều bạn thích nhìn thấy cuốn Bullet Journal của mình thiệt xinh đẹp, lung linh, tỏa sáng, nổi bật như bao cuốn Bullet Journal của các bạn có đôi bàn tay viết vẽ vời tuyệt đẹp trên mạng.
Tỉnh tỉnh tỉnh nào! Mục đích cốt lõi của Bullet Journal là gì? Là giúp các bạn hệ thống lại công việc một cách khoa học, thông minh và sáng tạo, chứ không phải một cuộc tranh đua xem Bujo ai đẹp hơn!
Đối với Uyên, một cuốn Bullet Journal đẹp là một cuốn Bujo gọn gàng, rõ ràng, mang tính ghi chép khoa học và thực tiễn, phục vụ được mục đích ghi chép để sắp xếp công việc của mình. Uyên biết rất nhiều bạn bỏ hàng giờ, thậm chí cả ngày để ngồi vẽ vời trang trí cuốn Bujo của mình, nhưng lại quên đi mục đích chính là theo dõi, sắp xếp và thực sự đảm bảo những điều mình ghi xuống sổ được hoàn thành.
Làm đẹp cuốn Bujo của mình là điều cần thiết để lấy cảm hứng sáng tạo, nhưng đừng lạm dụng nó quá đà nha các bạn.
Tối giản hóa Bullet Journal của bạn là cách để duy trì thói quen Bujo cực kỳ tốt
Làm cho bản thân “bận rộn” hơn
Đọc đến đây chắc nhiều bạn nghĩ trong đầu rằng: “bộ rảnh rang thì không phải lý do để duy trì Bullet Journal hả?”. No! Bận rộn ở đây là làm cho bản thân năng động hơn, nhiều ý tưởng hơn, nhiều sở thích mới hơn, nhiều mối quan tâm hơn, nhiều điều muốn học hỏi hơn.
Làm cho bản thân bận rộn hơn bằng cách Đi học thêm một ngôn ngữ mới, học thêm một loại nhạc cụ mới, tìm hiểu về một lĩnh vực mới, đăng ký một khóa học đi tập gym, hay đơn giản là lên plan đọc hết 10 cuốn sách trong một tháng.
Khi tâm trí bạn phải phân ra để quan tâm cho nhiều thứ khác nhau, tự nhiên bản thân sẽ có nhu cầu theo dõi, sắp xếp, và duy trì những mối quan tâm đó cho hiện tại và tương lai. Khi đó, Bullet Journal sẽ xuất hiện như một “người bạn” hỗ trợ một cách thư giãn và sáng tạo, vừa giúp bạn theo dõi ghi chép lại công việc, sở thích hằng ngày, vừa nâng nguồn năng lượng sáng tạo bằng cách suy nghĩ và viết xuống những mục tiêu của riêng bản thân.
Và tin Uyên đi, Bullet Journal lúc đó sẽ không còn đơn thuần là một cuốn sổ vô tri vô giác mà bạn phải có nhiệm vụ điền vào hằng ngày nữa.
Nỗ lực “thắp sáng tâm hồn điện ảnh” của Uyên trong một trang của Bullet Journal
Tập lắng nghe và nói chuyện với bản thân nhiều hơn
Lắng nghe và nói chuyện với bản thân tưởng chừng như là một việc đơn giản và khá…khùng (nếu vừa nghe/đọc qua). Đây là một trong những điều mà chỉ cho tới 4 năm trở lại đây, bản thân mới cảm thấy là mình đã làm được.
Uyên từng không chắc chắn với những điều mình đã đặt ra, với những mục tiêu mơ hồ, chung chung, với những kết quả mình đạt được, và tự hỏi rằng đó có phải là điều mình muốn? hay kết quả đó có phải là giá trị thực mình nhìn thấy?
Uyên đã thôi không đặt bút xuống viết những mục tiêu, những công việc chung chung xuống cuốn sổ của mình. Trước khi thực sự viết xuống những nhiệm vụ, công việc hằng ngày, Uyên đều phải tự hỏi mình trước rất nhiều câu hỏi: “Việc đó có phải việc trong ngày mày cần giải quyết không? Quan trọng đến thế nào? Khi nào cần hoàn thành? Việc này có phù hợp để viết trong mục công việc hằng ngày không, hay phải đưa vào mục tiêu của tháng?”,…
Những câu hỏi trên có thể nhiều bạn đọc qua nghĩ rằng sao phải cứng nhắc với bản thân chỉ với việc ghi chép mấy dòng chữ như thế? Đối với Uyên, nếu những gì bạn ghi xuống không mang lại giá trị gì cho bạn, để bạn thật sự có hào hứng thực hiện, hoàn thành và sau cùng là đánh giá nó, thì rõ ràng, là bạn đã tiêu tốn công sức và thời gian quý báu của bạn một cách vô nghĩa.
Và cuối cùng, thì cuốn Bullet Journal của bạn sẽ cũng bị vứt ở một xó, chỉ vì cái niềm hân hoan mở sổ ra để xem hôm nay mình thật sự cần và đã làm được gì không hề có.
Lắng nghe xem bản thân thực sự cần và muốn làm gì trước khi đặt bút xuống Bullet Journal
Và biết lắng nghe, quan sát, học hỏi từ những người xung quanh nhiều hơn
Tin Uyên đi, không có một nguồn cảm hứng hay nguồn động lực nào bất tận và sống động hơn một con người. Không cần phải là một con người khác biệt, giỏi giang, xuất chúng mới có thể là nguồn động lực cho bạn trong việc duy trì Bullet Journal.
Nếu bạn còn nghĩ phải hằng ngày lướt Pinterest xem các layout Bullet Journal đẹp nhức nhối như in ra từ máy, phải gặp các nghệ sĩ vẽ vời hội họa, những “chuyên gia” về Bullet Journal,…thì mới có thể níu giữ niềm yêu thích và gắn bó của bạn với Bullet Journal thì bạn đang nghĩ thiếu rồi.
Hãy ném bản thân ra thế giới ngoài kia, quan sát thật kỹ, “thâm nhập” vào nhiều thế giới quan khác nhau, “moi móc” cho bằng hết các ngóc ngách thú vị của một vấn đề, một con người, chắc chắn các bạn sẽ ngạc nhiên ở những điều mình tìm thấy được.
Biết đâu đang một ngày chán nản muốn vứt cuốn Bullet Journal đi, bỗng buồn buồn ngồi cà phê gặp một bạn zai đẹp đang ngồi cặm cụi viết lấy viết để một bản kế hoạch đạp xe đi vòng quanh Đông Nam Á, ngứa mồm xích lại bắt chuyện, thế nào cuối cùng lại có động lực cầm bút lên hí hoáy mục tiêu đi xuyên Việt mới cho riêng mình thì sao? Lại có thêm lý do tiếp tục Bullet Journal, duh? (Câu chuyện gần thật với trường hợp của Uyên cách đây 2 năm)
Quả Expense Tracker và Khung lịch trình của chuyến xuyên Việt cách đây 2 năm của Uyên
Gạt bỏ việc Bullet Journal xuất hiện trong cuộc sống của mình như một thứ “công cụ” hữu ích, hãy cứ coi em ý là một nguồn động lực sáng tạo và một người bạn đồng hành đắc lực của mình, các bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều để gắn bó với Bujo.
Đối xử với Bujo như một em người yêu cũng được nốt. Đừng trang hoàng ăn diện quá, em ý dễ sa đọa lệch hướng. Đừng để em ý khô khan chán ngắt quá, ở gần dễ tụt hứng. Đừng cho em ý nhiều ý niệm trên trời quá, em ý dễ lan man nói nhiều.
Mỗi ngày đưa đến cho em ý một điều mới, và hằng ngày yêu em ý như lần đầu tiên gặp nhau, mới mẻ, hân hoan, nhiều cảm xúc.
Nếu bạn đang quá chán ngán với những Bullet Journal layout cũ kỹ nhàm chán ngày nào cũng gặp, thử thêm 11 layout dưới đây cho Bujo của bạn thêm sinh động nha. Bắt đầu thôi!
Đây là Bullet Journal layout quen thuộc nhất bên cạnh các layout cơ bản mà mọi người vẫn hay dùng như Future log, Daily Log, Weekly Log,… Theo Uyên, một đứa không bao giờ để thiếu layout này ở từng tháng, thì đây dường như là layout giúp ích nhiều nhất cho việc phát triển bản thân và theo dõi của mình.
2. Music Playlist (List nhạc)
Có spotify với itunes rồi thì làm cái này làm chi? Đây là câu hỏi không nên hỏi đối với những đứa yêu âm nhạc, sống không thể thiếu âm nhạc. Vì sao? Vì chỉ có những đứa như thế mới thích ngồi ngoáy ngoáy đặt bút viết xuống từng tên bài hát, album, nghệ sĩ của tháng của năm, nhạc mới, nhạc yêu thích, theo chủ đề, theo cảm xúc blah blah blah mà thôi.
3. Workout Log (Theo dõi lịch tập gym)
Các thánh fitness kiêm Bullet journalist chắc chắn không nên thiếu layout này trong cuốn Bujo của mình. Các bạn có thể dễ dàng tạo một trang tổng hợp tất cả những lịch tập, bài tập yêu thích của mình.
Và quan trọng hơn hết, từ việc theo dõi và quản lý được chế độ tập luyện, các bạn có thể thấy được quá trình luyện tập của mình và lập mục tiêu cải thiện cho những tháng tiếp theo.
4. Books to read (Sách cần đọc)
Đã có thánh Fitness, thánh âm nhạc, bây giờ sẽ đến phần dành cho các thánh mọt sách. Theo Uyên đây là Bullet Journal layout thiết thực nhất trong số các layout liên quan đến sở thích cá nhân. Bởi vì sao? Vì đọc sách là một thói quen cực kỳ tốt nhưng lại rất nhiều người không có động lực đọc sách.
Bằng việc lên mục tiêu những cuốn sách cần đọc, viết tên chúng ra, tô màu cho chúng mỗi lần đọc xong và còn có thể note lại những cảm nghĩ cho từng cuốn sách mình đã đọc thì đúng không còn gì tuyệt vời hơn!
Đây, chính nó,Bullet Journal layout Uyên yêu thích nhất trong tất thảy các layout về hobby tracker. Uyên là một con mọt phim, nhưng vấn đề đối với Uyên là Uyên có quá nhiều phim muốn xem, lúc nào cũng có hàng tá phim chất đống trong bookmark máy tính. Uyên cần layout này để chi? Để ép một đứa không có chính kiến phải xem hết bằng được bộ phim đó trong tháng đó cho bằng được, và để biết rằng tâm hồn Uyên không bị khô hạn giữa cuộc đời 🙂
6. Mood Tracker (Theo dõi cảm xúc)
Ngoài sở thích, thói quen, nhiệm vụ hằng ngày, thì điều mà mọi người thường hay quên để ý đến đó là tâm trạng của bản thân. Mỗi cuối ngày ngồi xuống, check lại bản thân, check lại nguyên một ngày làm việc học tập và mệt mỏi, ngoài hiệu quả công việc, những nhiệm vụ được gạch chéo, những thói quen đã được tô màu, thì cuối cùng hãy hỏi bản thân xem “How was your day?”, hay đơn giản là “Ngày hôm nay của mày có vui không hả Uyên?”, để cuối tháng tổng kết nhìn lại mình có vui vẻ hạnh phúc nhiều nhiều hay không. Nha. 🙂
7. Expense Tracker (Theo dõi chi tiêu)
Một em tracker phổ biến ngang hàng Habit Tracker và cũng là một Bullet Journal layout không bao giờ nên thiếu trong cuốn Bullet Journal của các bạn. Hiện có khá nhiều các loại layout khác nhau cho việc quản lý chi tiêu.
Nhưng riêng đối với Uyên, layout hiệu quả nhất vẫn là layout có thể ghi được chi tiết từng khoản một và tổng kết total sau từng ngày (như hình bên dưới).
Layout này phù hợp với bạn nào cảm thấy mình chả bao giờ nhớ được những khoản chi tiết mình tiêu, cộng thêm hay tiêu vô tội vạ (như Uyên), siêng ghi chép và siêng giữ bill (Như Uyên).
Còn bạn nào cảm thấy mình kiểm soát tốt được chi tiêu rồi, thì chỉ cần áp dụng layout đơn giản hơn và chia thành từng mục lớn như: Phí cố định (điện, nước, tiền nhà,…), phí biến đổi (tiêu vặt, sinh nhật, đám cưới,..), rồi tổng kết lại sau mỗi tháng là xong.
8. Brain Dump (Trang ý tưởng)
Đối với những bạn làm bên mảng cần nhiều sự sáng tạo mỗi ngày, thì layout Brain Dump, hay Brainstorm là không thể thiếu. Uyên cực kỳ cần layout này trong cuộc đời bởi mỗi ngày là Uyên lại có hàng tá ý tưởng nảy lên trong đầu. Đây là layout phục vụ cho việc ghi chép lại ys tưởng nhanh chóng nhưng vẫn phải đẹp và có không gian riêng, nên Uyên cực kỳ thích layout này.
9. Gratitude Log (Những điều biết ơn)
Bullet Journal layout này Uyên chỉ mới sử dụng gần đây. Uyên không đặt cho nó cái tên mỹ miều là Gratitude Log mà đơn thuần chỉ là những điều mình học được, thấy được, cảm nhận được. Uyên thường đặt layout này sau cùng khi tổng kết một tháng.
10. Bucket List (Những điều muốn làm trước khi chết)
Cái quỷ bucket list này Uyên đã từng có một bài rất bài bản ở đây rồi, các bạn có thể ghé qua xem. Còn riêng ở Bullet Journal Uyên có làm một cái tương tự gọi là “Reasons to stay alive”, cũng sêm sêm như cái Bucket List, ghi chép lại những điều mình muốn làm và chỉ có thể sống và thở nếu được làm những thứ đó (nghe thật cường điệu:))
11. Travel Log (Nhật kí hành trình)
Travel Log là một nhánh mà các bạn có thể làm riêng một cuốn sổ riêng cũng như có thể thêm nó vào như là một phần nhỏ của Bullet Journal.
Riêng Uyên tính bần tiện, không muốn (hoặc chưa muốn) bỏ tiền ra để mua một cuốn Travel journal bằng da xịn xò để mang theo du lịchmà Uyên kết hợp cùng cuốn Bujo của Uyên luôn.
Bạn nào hay di chuyển, tính tò mò hay thích nghịch hay sưu tầm đồ lặt vặt khi đi du lịch thì nên set up layout này ngay và luôn, cực yêu!
*Mọi hình ảnh đều được chụp từ tác giả, các bạn sao chép vui lòng ghi nguồn, hoặc đơn giản chỉ cần Pin lên Pinterest là được nhé, thanks a bunch!
Nếu các bạn vẫn đang còn mông lung và loay hoay chưa biết chọn cho mình những cửa hàng dụng cụ Bullet Journal ở đâu, thì well, các bạn lang thang vào đúng động của Uyên rồi! Uyên xin trình làng danh sách (sẽ còn update) những nơi Uyên yêu thích và tin tưởng khi nghĩ đến việc trang hoàng cho Bullet Journal của Uyên. Bắt đầu thôi.
1. Dotgrid
Dotgrid là nơi cực kì yêu thích của Uyên khi mua dụng cụ cho Bullet Journal, dù mặt bằng chung giá ở Dotgrid không rẻ, nhưng chất lượng thì hoàn toàn xứng đáng với giá tiền bỏ ra. Điều Uyên thích nhất ở Dotgrid là sản phẩm ở đây được lựa chọn rất tỉ mỉ, sản phẩm đều được lấy trực tiếp từ nguồn hàng chính hãng, thêm nữa lại có những món đồ rất độc và lạ ít chỗ nào có.
Các bạn nhân viên ở store đều rất am hiểu về sản phẩm, đặc biệt là về Bullet Journal, có sẵn sổ bujo và nhiều loại bút cho các bạn thử. Kể cả bạn là dân bullet journal beginner hay advanced, Dotgrid đều có dụng cụ phù hợp cho các bạn.
Địa chỉ: 121/61 Lê Thị Riêng, P. Bến Thành, Q.1, TP HCM
2. Taipoz
Taipoz là shop chuyên về đồ họa cụ nhiều hơn là dụng cụ Bullet Journal, nhưng sản phẩm ở đây cũng rất phong phú, do quy mô shop khá lớn nên tất tần tật từ A-Z về họa cụ và văn phòng phẩm Taipoz đều có. Đặc biệt ở Taipoz phát hành chính thức loại sổBullet Journal của Threedots, loại sổ được làm 100% ở Việt Nam với chất lượng giấy cực kì tốt mà Uyên rất yêu thích.
Ngoài ra Taipoz chuyên bán các loại dụng cụ, bút máy chuyên biệt cho các bạn ưa thích Caligraphy – một phân khúc không thể thiếu trong việc trang trí nếu bạn đang cân nhắc gắn bó lâu dài với Bullet Journal.
Crabit chắc hẳn đã rất quen thuộc với các tín đồ sổ tay nói chung và dụng cụ Bullet Journal nói riêng rồi. Ở Crabit thì sản phẩm chính là sổ, với vô vàn thiết kế cực xinh và chất lượng giấy cũng rất ổn. Rất tiếc hiện tại Crabit chỉ mới có chi nhánh ở Hà Nội, các bạn ở HCM muốn mua sổ ở Crabit cũng có thể đặt online qua một cách dễ dàng.
Địa chỉ (Hà Nội): Số 5, ngõ 379, Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội
4. Cây đầu to
Cây đầu to là một trong những shop văn phòng phẩm có mẫu mã, sản phẩm, dụng cụ Bullet Journal đa dạng nhất Sài Gòn. Từ sổ, bút, sticker, washi tape, ngăn đựng bút, các dụng cụ nhỏ xinh,…tất tần tật đều tìm thấy được ở Cây Đầu To.
Style các món đồ ở đây mang hơi hướng dễ thương, cutoe nhẹ nhàng các kiểu con đà điểu nên bạn nào tự thấy mình bứn bèo nước lèo thích các thứ hoa lá cành nhỏ xinh cứ tấp vào ngay Cây Đầu To nhé.
Địa chỉ: 141 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, Hồ Chí Minh
5. Bubble Notebook
Tuy mặt hàng ở Bubble Notebook không được phong phú như ở các store trên, nhưng ở đây các bạn có thể dễ dàng tìm được những món đồ và dụng cụ đặc trưng thường được các bullet journalist dùng và giới thiệu, một số món thường khó tìm thấy ở các store khác nhưng Bubble lại có như các set và combo bút viết Crayola Super Tipshay midliner và muji.
Địa chỉ: B02-9 Lý Văn Phức, P. Tân Định, Quận 1, Tp HCM
6. Xinhdeplam
Đây cũng là một store dạo gần đây Uyên có quan tâm và thường recommend cho các bạn muốn bắt đầu bullet journal. Xinhdeplam có rất nhiều phụ kiện, dụng cụ đa dạng dành riêng chuyên biệt cho planner và bullet journal, giá cả rất học sinh sinh viên nhưng chất lượng rất ok. Hiện xinhdeplam chỉ bán online nên các bạn chỉ có thể đặt qua online mà thôi, nhưng xinhdeplam có ship toàn quốc và free ship cho hóa đơn trên 200k đó
The Art Shop đích thực là thiên đường cho những bạn nào không chỉ yêu thích Bulllet Journal, mà còn dành cho những bạn yêu thích sổ tay và hội họa nói chung. Ở đây đúng kiểu “zi zỉ zì zi cái zì cũng có”, từ dụng cụ văn phòng phẩm cơ bản đến dụng cụ hội họa chuyên nghiệp.
Chủ shop và nhân viên thân thiện, mỗi tội hơi xa trung tâm, nên Uyên toàn đặt online cho tiện. Shop giao hàng cẩn thận và nhanh chóng, đặc biệt Uyên cực thích bao bì đóng gói của The Art Shop, siêu artttt. Hiện tại thì Uyên cực kỳ ưng ý với chất lượng và dịch vụ của The Art Shop, highly recommend cho các bạn <3
ịa chỉ: 681/53 Âu Cơ – P.Tân Thành – Q.Tân Phú – Tp. HCM
8. Hino Art
Hew hew, Hino Art là phát hiện gần đây nhất của Uyên và cũng là phát hiện thỏa mãn nhất của Uyên. Đây là một shop họa cụ Uyên được bạn giới thiệu ở ngoài Hà Nội (hiện vẫn chưa có ở Sài Gòn), shop cực cool, nhập toàn đồ văn phòng phẩm xịn xò, đặc biệt chú trọng vào các sản phẩm dành cho hội họa.
Bạn nào đang trên con đường hướng tới các dụng cụ Bullet Journal nâng cao, thích test màu và vẽ vời nhiều hơn cho Bujo của mình thì nên nghía ngay tới Hino. Giá cả ở Hino nhìn mặt bằng chung không phải là tốt nhất, nhưng chất lượng thì miễn bàn, khá đáng so với số tiền bỏ ra.
Haru store chắc hẳn là cái tên không còn quá xa lạ đối với những bạn làm Bujo yêu thích phong cách sticker hoa lá cutoe, hay mấy thứ đồ nhỏ xinh với giá cả khá sinh viên rồi.
Vì ở Haru chú trọng hướng tới đối tượng khách làm planner và bullet journal nên các sản phẩm các bạn cần cho Bujo và Planner đều có thể dễ dàng tìm thấy ở đây, đặc biệt là các loại washi tape, masking tape, cover sổ, ngăn đựng bút,…
Địa chỉ 1: 18/8F Trần Quang Diệu, P.14, Quận 3, Tp.HCM
Địa chỉ 2: 572 Điện Biên Phủ, P11, Quận 10, Tp.HCM
10. Coucou Hibou
Nếu các bạn đang loay hoay tìm kiếm những dụng cụ Bullet Journal đẹp, độc, xịn thì Coucou Hibou chắc chắn nên nằm trong danh sách checklist của bạn ngay và luôn. Chủ của Coucou Hibou nhập và chọn lựa hàng trực tiếp từ Nhật Bản về, nên ở đây các bạn có thể tìm thấy những món xinh xắn và không thể đụng hàng chỗ nào khác.
Chỉ có một điều duy nhất là giá cả trung bình ở Coucou không rẻ, và phân khúc khách hàng Coucou hướng tới cũng không phải là sinh viên nên đây là điều khá dễ hiểu.
Ngoài ra điều khiến Coucou Hibou đặc biệt nhất so với những nơi khác là không gian ở đây cực chill và dễ thương, các bạn đến sẽ không có cảm giác là một shop stationary mà giống một căn nhà nho nhỏ của các bạn chung sở thích viết vẽ ngắm mở ra để chia sẻ với nhau vậy.
Địa chỉ: Cuối hẻm 28 – 32 Trần Cao Vân. Số 36 Trần Cao Vân phường 6 quận 3, Tp. HCM
11. Itoya
Nếu các bạn thường xuyên mua dụng cụ Bullet Journal online, thì chắc chắn sẽ từng biết đến ITOYA.
Đây là một shop chuyên dụng cụ dành riêng cho Bujo tại Hà Nội, có zi zỉ zì zi mà bạn cần cho Bujo của mình. Từ sổ tay, bút, washi tape, giấy tập viết calligraphy, con dấu, thiệp tay,…
Shop có ưu điểm là giao hàng và soạn đơn hàng khá nhanh, hỗ trợ nhiệt tình, dễ cưng, giá thành mặt bằng chung cho các loại dụng cụ phổ biến tốt hơn rất nhiều so với những shop khác. Bookmark ngay và liền nha!
Catnip là phát hiện mới mẻ gần đây của mình khi đang kiếm shop bullet journal phong cách dễ thương cho nhỏ em mình.
Catnip bắt xu hướng cực nhanh, và thường có những dụng cụ nhỏ nhỏ xinh xinh dành đặc biệt cho những bạn thích làm junkjournal, scrapbook, pen mail,…
Yêu hơn là bên Catnip còn có nhiều sticker, washi tape cực xinh cho mấy bạn thích style hơi hướng feminine một chút xíu. Bên này chuẩn bị hàng nhanh, chủ shop hiểu biết và đam mê Bujo nên các bạn yên tâm mà hốt hàng nha ;))
Mình đã từng (bây giờ vẫn còn) là một đứa siêu đãng trí, nhớ trước quên sau, đã từng mở tủ lạnh kiếm điều khiển ti vi và đi thẳng vào nhà vệ sinh kiếm muỗng múc canh, đúng chỉ có đầu óc “thánh nhân” mới được như thế.
Cho đến một ngày đẹp trời trước khi lên đường chuẩn bị cho hành trình xuyên Việt lần hai hai tuần, cùng cơn bão báo cáo luận án cho tour ập đến, Uyên tìm thấy được ánh sáng của đời Uyên, nhờ một đoạn video của Ryder Carol về Bullet Journal trên youtube
Nếu bạn đang thắc mắc Bullet Journal là cái quỷ gì, thì hãy cứ hiểu đơn giản nó là một loại nhật ký hằng ngày, và hơn cả một cuốn nhật ký bình thường, nó còn là cả một hệ thống ghi chép giúp bạn sắp xếp công việc thời gian của bạn theo nhu cầu của bạn.
Hệ thống ghi chép này được thai nghén và ra đời từ một anh chàng người Mỹ tên Ryder Carroll, anh đã dành ra gần 10 năm để tìm ra hệ thống ghi chép tốt nhất cho riêng mình, và từ đó chia sẻ rộng rãi ra toàn thế giới.
Bullet Journal sẽ có ba chức năng chính: Theo dõi hiệu quả công việc trong quá khứ, ghi chép kế hoạch hiện tại, và lên kế hoạch cho tương lai. Ba phần này sẽ luôn đi cùng với nhau và bạn có thể có một hình dung chung về tất cả công việc của mình ở cả ba khung thời gian.
Để bắt đầu một Bullet Journal cho riêng mình thì bạn cần những gì?
Đầu tiên tất nhiên bạn sẽ cần hai thứ: Một cuốn sổ và một cây bút. Trong giới Bullet Journal, một cuốn sổ hoàn hảo nhất, phù hợp nhất sẽ là loại sổ có giấy chấm bi, loại chấm này giúp bạn cảm thấy không bị rối mắt khi viết chữ lên cũng như có không gian thoải mái để sáng tạo hệ thống ghi chép của mình. Tuy nhiên thì hãy cứ chọn bất kỳ cuốn sổ cây bút nào mà các bạn cảm thấy thích và phù hợp với mình, miễn sao nó có hiệu quả là được.
Còn nếu bạn là một người cân nhắc việc sẽ tham gia vào cộng đồng Bullet Journal một cách lâu dài và nghiêm túc, hãy chọn cho mình một cuốn sổ Bullet Journal đầy đủ tiêu chí: giấy chất lượng không bị thấm khi viết, mở đóng dễ dàng.
Có sổ rồi, có bút rồi, bây giờ làm gì tiếp theo?
Tạo một bảng mục lục (Index)
Bước này sẽ là bước đầu tiên bạn làm trong cuốn Bullet Journal của mình, đơn giản bạn sẽ viết một bảng mục lục tất cả những gì có trong sổ, kèm theo đó là số trang. Trong cuốn Bujo của bạn bạn có thể tự đánh số bằng tay hoặc mua những cuốn có đánh số sẵn.
Đặt ký hiệu riêng cho Bullet Journal
Bước này sẽ là bước thứ hai, bạn sẽ cần một bảng ký hiệu cho những đầu mục trong sổ để có thể dễ dàng hơn trong việc ghi chép cũng như ghi nhớ công việc.
Tạo một trang mốc thời gian tổng quan cho tương lai (Future Log)
Mục này sẽ được chia theo mốc thời gian tháng. Tùy vào bạn có kế hoạch dài hạn trong một năm hay không, bạn có thể chia sổ ra theo mô hình 6 tháng hay nguyên 12 tháng. Trang này sẽ là trang bạn có thể nhìn và lên kế hoạch cho cả năm một cách tổng quát nhất.
Tạo mục tháng (Monthly Log)
Trang này bạn sẽ tạo riêng từng tháng, bắt đầu từ tháng bạn muốn bắt đầu. Viết xuống từng ngày và tên ngày trong tháng đó xuống theo chiều dọc, đây sẽ là nơi bạn viết xuống những mục việc/ sự kiện bạn cần làm trong tháng đó
Tạo mục ngày (Daily Log)
Đây là mục để bạn viết xuống chi tiết những công việc cần phải làm hằng ngày. Đặt ngày tháng lên đầu trang và note lại những công việc nhỏ hằng ngày của bạn.
Vậy là về cơ bản là các bạn đã set up được ba mục cơ bản nhất phục vụ cho ba mục đích chính trong hệ thống này: Daily Log (Sắp xếp công việc hiện tại), Monthly Log (Theo dõi công việc trong quá khứ) và Future Log (Lên kế hoạch cho tương lai).
Kết hợp cả ba lại, mình sẽ có một hệ thống kiểm soát, theo dõi công việc mà bạn có thể dễ dàng lật qua lại, chủ động hơn trong việc ghi chép. Đây là điểm khác biệt và ưu điểm của việc ghi chép bằng sổ so với ghi chép bằng điện thoại hoặc ứng dụng.
Ngoài ba trang cơ bản trên, các bạn có thể thêm vào một số trang khác nhằm tăng hiệu quả theo dõi những công việc/ sở thích cá nhân của bản thân như:
Uyên đã đồng hành và gắn bó với Bullet Journal được hơn 1 năm và Uyên hoàn toàn thỏa mãn với hiệu quả công việc mà Uyên có được.
Không còn tới ngày thi vắt cổ lên tránh nước chỉ bởi vì gần đến ngày mới nhớ có lịch thi, không còn quên ngày sinh nhật của lũ bạn thân và bố mẹ, không còn chi tiêu và ăn ngủ vô độ.
Và thực sự Uyên có một thói quen và niềm vui mới hằng ngày bằng việc mở sổ ra, hí hoáy tô vẽ, lên ý tưởng mới và sắp xếp lại toàn bộ những thứ lộn xộn đang diễn ra trong đầu Uyên. Chần chừ chi nữa mà không bắt đầu ngay và luôn một cuốn Bullet Journal nữa các bạn ơi!