[Crazy Stupid Journeys] Sec 8: Hà Nội người dưng, Bắc Giang tự dưng người nhà.
“Ôi dồi ôi!!” – Uyên đã phải gân cổ hét lên ba chữ đó dưới lớp khăn che mặt và chiếc mũ nồi trùm kín đầu trong vô vọng, những đoạn đường quốc lộ khó nhằn nhất của Hà Nội bắt đầu xuất hiện, xa xa kia là “đường cong mềm mại” trứ danh của Hà thành, một Trường Chinh vững chãi trải dài kiên cố qua năm này đến năm khác bất chấp nắng mưa gió bão, hiên ngang chống chọi với dòng người tấp nập.
Vào giây phút lăn bánh tới những con eo đầu tiên của Trường Chinh, Uyên biết rằng đường về nhà còn xa lắm lắm, dù nơi cần đến chỉ còn cách đó 4 cây nữa mà thôi. Uyên với Hà Nội từ trước tới nay như một cái duyên, chẳng còn xa lạ gì nhau, từ cái lần đầu tiên nhảy tàu theo bác đi tiễn anh chị ở sân bay Nội Bài chỉ trong một tích tắc khi tàu đã sắp rời ga, cho tới hằng ha sa số lần tiếp theo đó ra Hà Nội như đi chợ phiên, cứ 2 3 tháng một lần, lâu nhất cũng chỉ một năm một lần.
Uyên vẫn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên đặt chân ra Hà Nội, nóng ẩm, tấp nập, chen chúc, và rất Hà Nội. Mỗi lần Uyên cố tìm ra một từ để tả về Hà Nội, nhưng không từ nào có thể miêu tả hoàn hảo hơn hai từ Hà Nội – tính từ gợi hình và gợi cảm xúc nhất chí ít là đối với Uyên, và Uyên đoán có lẽ là cả với những những ai mang trong mình một cảm xúc đặc biệt với Hà Nội.
Sau Vinh thì Hà Nội là nơi mà Uyên có nhiều kỉ niệm và tình cảm đặc biệt nhất, Uyên đoán có lẽ một phần vì văn hóa của Nghệ An và Hà Nội không có quá nhiều khác biệt, kể cả thời tiết, và cả con người, bằng cách nào đó, một tỉnh bự chảng như Nghệ An và to vừa như Hà Nội lại có một sự tương đồng không hề nhỏ dù địa lý hoàn toàn cách biệt nhau, và một phần lý do nữa là bởi ở Hà Nội Uyên đã để lại quá nhiều kỉ niệm với những con người nằm trong một phần chiếc ngăn tim bé nhỏ của mình.
Uyên đã đi từ sự hoàn toàn xa lạ, mới mẻ cho đến những cái ôm, những tiếng cười, những đêm nói chuyện thâu đêm suốt sáng với những người không hề quen biết, để rồi bây giờ đi đâu cũng cứ có một sợi dây dẫn nối về Hà Nội. Và chính ngay bây giờ, 8 năm sau kể từ khi bắt đầu kết nối với cái tên Hà Nội, Uyên vẫn tiếp tục trở lại mảnh đất này, cùng với niềm háo hức tăng dần qua thời gian.
Nàng thơ của Uyên, T, là lý do lớn nhất níu Uyên lại với Hà Nội, dù Hà Nội rất đẹp vào xuân thu, dù Hà Nội rất tình (trừ hè ra) nhưng vẫn không thể tình bằng nàng thơ của Uyên. Hà Nội là một nơi chốn kì cục, nơi mà chỉ một vài phút trước bạn đang còn cáu bẳn và khó chịu trước giọng đanh đảnh rặc Bắc chói tai của cô bán bún đầu đường đang chửi khách, thì vài giây sau đã kịp mỉm cười yêu thương hít hà mùi hoa cúc thơm lừng từ chiếc xe đạp phượng hoàng cũ kỹ chất đầy hoa bọc kín đẹp đẽ bằng giấy nhám được đẩy chậm rãi trên đường rực cả trời xuân. Là nơi mới tháng 6 đã giãy đành đạch khóc ròng tuyên bố không bao giờ thèm quay lại Hà Nội nhờ cái nóng đến rát da thịt thì chỉ 2 tháng sau đã ngồi bên tách cà phê trứng nóng ấm thơm phức rồi run lên vì sung sướng.
Thiệt, kì cục. Bởi, ai nói ghét Hà Nội cũng đúng, ghét Nghệ An cũng đúng. Tính tình đỏng đảnh, kiêu ngạo, chả nể nang ai, kiểu ai đến yêu được thì yêu, không yêu được thì kệ, bố mày không quan tâm, mà đã lỡ yêu rồi thì dứt không được, cứ vương vấn vấn vương hoài. Nhưng bây giờ đây, Uyên chính thức tuyên bố hết yêu Hà Nội tạm thời, Hà Nội làm khó Uyên quá, giữa cái tiết trời như thế này, mà em cứ cho Uyên đứng phơi nắng bụi, không cho Uyên về với nàng thơ của Uyên dù chỉ là 4km nữa thôi.
“Ôi trời!”, lại thêm một tiếng kêu giời nữa được thốt ra trong một ngày. “Đen khiếp!” – nàng thơ của Uyên méo mó nhăn nheo nói ra hai chữ không mấy bất ngờ sau khi đón được Uyên vào tận nhà. Uyên lúc đấy chỉ biết bàng quang đón nhận “lời khen” không mấy lạ lẫm trong suốt hai tháng vừa qua mà Uyên đã nghe đến nhàm cả tai về nước da kinh khủng của mình.
Trái với một đứa ngông và phủi như Uyên, nàng thơ của Uyên nhỏ bé, trắng trẻo, mỏng manh, và dễ vỡ. Cách Uyên và nàng quen biết nhau rất bình thường, nhưng cách Uyên và nàng giữ mối quan hệ cho đến tận quãng thời gian bảy năm thì không bình thường chút nào, chừng ấy thời gian để từ hai tiếng gọi tên nhau, đến chị em, đến hai chữ “ta” và “nàng”. Và tất nhiên sau chừng ấy thời gian, Uyên và nàng đủ hiểu nhau để đến mỗi lần Uyên ra Hà Nội không cần phải hỏi câu “nàng thích ăn gì?” mà đưa ra sẵn menu Nem chua nướng Ấu Triệu, Ốc Đinh Lễ, kem chanh bờ hồ.
Uyên là đứa cổ hủ trong ăn uống, bất cứ vật nào thấy ngon thấy hợp là chỉ luôn luôn đè ăn món đó đúng chỗ đó cho bằng được, ăn cho đến khi nào ngán đến tận họng xong thề không ăn trong vòng mấy tháng nữa rồi chỉ cần một tuần sau lại dọng đầy họng cho ngán muốn chửi thề, thì đích thị những món đó là món Uyên yêu thích vô bờ bến. Uyên yêu món nem chua nướng và ốc của Hà Nội đến mức Uyên lấy nó làm thước đo cho sự thỏa mãn dạ dày của Uyên.
Uyên bị ám ảnh “sự no”, không biết đây có nên là một chứng bệnh tâm lý mới hay không, nhưng Uyên thật sự thấy không ổn nếu Uyên ăn xong mà Uyên vẫn cảm thấy hơi “chưa no”, và để kiểm tra cho điều này Uyên sẽ tự động nghĩ ngay tới món Nem chua nướng và ốc luộc, nếu Uyên vẫn thấy thèm thì chắc chắn Uyên sẽ đi tìm cái gì ăn tiếp cho yên tâm là Uyên 100% no, còn nếu thấy không thèm nữa thì lúc đó Uyên an tâm đi ngủ mà không cần lo lắng về dạ dày của mình nữa. Thiệt kì.
Trong suốt 2 ngày ở Hà Nội, việc Uyên dành nhiều thời gian ra nhất đó là nghĩ xem nên đi đâu tiếp theo từ Hà Nội. Mục đích chính của chuyến đi đến Hà Nội vẫn là nàng thơ của Uyên, nhưng tâm nguyện cao cả của việc đi tới Hà Nội là lấy Hà Nội làm đòn bẩy cho những cung đường rẽ về phía Bắc từ Hà Nội trở đi.
Nàng thơ của Uyên là gái núi, sống hơn 20 năm cuộc đời trên núi nhưng hầu như chưa bao giờ đi thưởng núi đúng nghĩa ngoài chuyến đi Sapa lần đầu tiên của hai đứa cách đó không lâu. Sau chuyến đi đó, có vẻ như Uyên khơi dậy thêm được tình yêu ẩn chứa của nàng ấy với núi non rừng động, làm nàng háo hức chờ đợi chuyến đi tiếp theo của hai đứa mặc dù nàng bảo nàng rất thích biển. Một đứa sống ở nơi nghèo rừng ngập mặt biển như Uyên thì việc Uyên khát núi chán biển là điều hiển nhiên, và tương tự đối với nàng. Không còn cách nào khác, năm nay Uyên lại xách mông nàng đi về rừng rú.
Hai đứa loay hoay cả đêm chỉ để lên mạng research điểm đến, một công việc chả mấy thú vị và nhàm chán đối với một đứa cứ phải vừa đi vừa động não như Uyên. Sau một hồi (thực ra là rất nhiều hồi) cân đo đong đếm lên rừng xuống biển từ Hàm Lợn, Ba Vì, Cát Bà, Tam Đảo, Mẫu Sơn, blah blah blah, Uyên chốt cái rụp một nơi tên nghe đã thấy xao xuyến: Đồng Cao. Đồng Cao là một điểm khá mới trong du lịch, thực ra còn chẳng gọi được là điểm du lịch vì ở đây đúng chất chẳng có một cái vẹo dịch vụ gì có thể cấu thành một điểm du lịch, nhưng thời điểm đó cực kỳ nổi đối với các bạn…well, tạm phải dùng từ mà Uyên ghét nhất: “phượt thủ”. Uyên được cái đã không quyết thì thôi, một khi đã quyết thì chỉ có nhanh hơn ánh sáng, tràn đầy năng lượng nhiệt huyết, đến nỗi chẳng ai mà không muốn đi cùng Uyên hết. Kéo lên kéo xuống một hồi, Uyên quyết cái rụp: Đi Đồng Cao!
Chuyến đi nào cùng với nàng thơ của Uyên cũng là một chuyến đi bão táp, bởi lần nào đi nàng ấy cũng kẹt cứng lịch làm, trong khi mình luôn là người trong trạng thái tỉ phú thời gian mỗi lần vác mặt ra Hà Nội. Từ đó phát sinh thêm biến hai con đầu đá cự nhau, đứa muốn đi lâu đứa thì lo sốt vó phải về đi làm, thế nên chuyến đi này đúng nghĩa là một chuyến đi bạ đâu đi đó, không plan, không hy vọng, không chờ đợi.
Đây sẽ là lần đầu tiên Uyên và nàng đi xa bằng xe máy với nhau, và nàng cũng sẽ là người bạn đường đầu tiên ngồi sau tay lái của Uyên trong suốt gần 2 tháng hành trình vừa qua. Lều trại sẵn sàng, Uyên và nàng dong về quốc lộ 1A, men theo cao tốc Bắc Giang – Hà Nội, lòng phấn khởi chào đón những cảnh đẹp trước mắt. Nhưng đời không như là mơ, đời không bao giờ là một đường thẳng đẹp đẽ trải nhung lụa gấm vóc, đặc biệt là cho những đứa ngu ngơ vô tư nghĩ rằng đời luôn đẹp như Uyên.
Uyên chính thức nhận ra sự thật cay đắng ngay sau khi thấy bóng dáng của các bạn pikachu vẫy gọi tấp xe Uyên vào lề phải (vâng lại gặp lại các bạn áo vàng). “Mời anh xuống xe!” Uyên cảm thấy hoang mang tột độ, không biết mấy bác ấy đang nói ai, sau một vài giây suy nghĩ thì biết chắc nó không nói lộn ai ngoài mình đâu, bởi có mỗi mình và nàng thơ của mình trơ trọi giữa cao tốc lúc đó mà thôi. Uyên lúc đó nhanh tay kéo chiếc khẩu trang xuống, cởi hết mũ trùm ra, duy chỉ có phần cần nhô thì vẫn đang mặc áo che đậy kín mít, bác kia thấy vậy kiểu tỏ ra bối rối, Uyên nghĩ chắc đang bối rối vì biết sẽ không làm ăn được gì với lũ con gái chứ không phải bối rối vì nhầm trai với gái, thế nên là sẽ lại có kịch hay để xem đây.
Sau khi trình diện giấy tờ xe bằng lái này nọ các kiểu, ảnh mới tiếp tục chỉ chỉ vào biển số xe của Uyên, hỏi đi đâu mà đi từ Huế ra đây thế. Lúc đó Uyên mới bất giác nhớ ra cái biển số xe của Uyên đang là 75 chứ không phải 29 Hà Nội, bần cùng sinh mất nết, Uyên mở mồm ra phang ngay cái âm sắc đặc sệt miền Trung mà đáng nhẽ ra Uyên sẽ chẳng bao giờ dùng ở cái đất Hà Nội này nếu Uyên không nhanh trí vịn vào cái biển số xe. Vẫn bài quen thuộc “Anh ơi tha cho em”, “Em sinh viên không có nhiều tiền”, “Em đi xa đến đây nên không biết luật” blah blah blah.
Nì nèo kèo nèo mãi, anh ấy quyết định đút túi với số tiền khiến Uyên cảm thấy mình như một diễn viên hạng bét: 200k. Uyên đã có thể làm tốt hơn với một kết quả vinh quang hơn là không mất một đồng nào. Nhưng Uyên ơi, may mắn không mỉm cười với mày mãi được, cũng không có đứa ngu nào năn nỉ công an mà vô tình chường cái ví với một đống tiền (nói quá lên thôi) và thẻ tín dụng cho nó biết là mày có tiền hết.
Nhưng câu chuyện mất tiền ngu không dừng lại ở đó, lý do Uyên bị bắt lại là vì đi sai làn đường. Đường cao tốc này không dành cho xe máy, trong khi Uyên thấy rõ mồn một biển báo xe máy có làn đường ở trên cao tốc, thì anh trai mới bảo luật mới áp dụng, xe máy không được đi. Sau khi lên xe phóng đi như một cơn gió trên làn đường mới, Uyên và nàng mới để ý bảng thông báo đổi làn đường xe máy áp dụng từ 01/08, mà lúc bị bắt mới có gần cuối tháng 7. Ngu tập 2 thưa các bạn. Mất 200k và trong lòng ôm thêm một cục hận to đùng, hận anh pikachu thì ít, mà hận bản thân thì nhiều. Chuyến đi tới Đồng Cao của bọn mình đã bắt đầu suôn sẻ như thế.
Tới địa phận thành phố Bắc Giang, Uyên và nàng thơ chợt nhận ra có đồng môn ở đây. Vậy là chỉ 3 tiếng sau đó, nàng thơ của Uyên đã vào tay người khác, tay trong tay chở nhau đi tiếp về Đồng Cao, để Uyên lẻ loi côi cút chạy xe một mình suốt quãng đường tiếp theo. Uyên suýt đâm đầu vào container mấy lần chỉ vì quá buồn ngủ và không có ai nói chuyện. Lúc đó không dám kêu ca, bây giờ lên đây kêu ca cho người ta đọc được, để người ta thấy người ta bỏ Uyên khiến Uyên khốn khổ tới chừng nào. Cuối cùng hành trình 2 đứa con gái nay đã trở thành 3, 3 mống vịt giời hiệp hội sannhac tiếp tục kéo nhau tung hoành Đồng Cao.
Rõ ràng Đồng Cao thời điểm Uyên tới đã là một điểm khá nổi với người dân ở đây cũng như các bạn trẻ thích chui vào các chốn xó xỉnh, bởi gần tới nơi chuẩn bị mở miệng hỏi đường một phát là các bác bên đường đã mau mắn “Bọn con đi Đồng Cao phải không?”, Uyên kiểu ngớ người ra, đầu chắc mẩm chắc hôm nay trên đó đông như trẩy hội cho mà xem. Trải qua một quãng đường không mấy suôn sẻ chỉ toàn đèo dốc và đá lởm chởm, Uyên và đồng bọn đã bắt đầu thấy những ngọn đồi xanh mơn mởn dần hiện ra trước mắt.
Tụi Uyên vẫn chưa chắc chắn 100% là mình đã tới được điểm cần tới, bèn tấp vào một chiếc lán lá hỏi đường lại một lần nữa cho chắc ăn. Lân la hỏi han một hồi, thì cả lũ mới biết rằng chiếc lán này là “điểm nghỉ chân có dịch vụ” duy nhất của cái khu vực Đồng Cao này, mặc dù chiếc lán trơ trọi không có gì ngoài mấy bì đất và xi măng vứt tràn ra thềm, cộng thêm 2 chú chó không ngừng sủa lấy sủa để khi tụi Uyên dắt xe vào trong để gửi. “Bọn em đêm nay tính cắm trại trên này một đêm ạ!”.
Hai anh chủ lán tỏ ra e ngại khi Uyên vừa thốt ra câu này, cho đến khi thấy Uyên tháo dây lấy chiếc lều cùng hai cái xiên nướng thịt dài ngoằng dắt bên hông xe như chuẩn bị ra trận ra, hai anh mới hoàn toàn tin là Uyên nói thật. Ba đứa bắt đầu hành trình lê lết mò mẫm men theo triền đồi tìm điểm cắm trại, lúc đấy đã 5 giờ rưỡi chiều, thời điểm hoàn hảo trước khi trời sập tối để dựng lều. Lúc bắt đầu leo lên đồi Uyên chậc nghĩ chắc chẳng còn mood mà ngắm nghía gì giờ này, mai đi rồi hẵng ngắm, thế nhưng nhờ khung cảnh bao la gần như không một bóng người, Uyên đã lại phải thốt lên hai chữ “Đã quá!”
Hành trang mang theo của ba đứa con gái cho một chuyến cắm trại chỉ vỏn vẹn một cái lều một người sắp rụng răng vì sương gió suốt hơn một tháng vừa qua bị Uyên hành hạ, hai cái xiên nướng thịt, một hộp thịt heo rừng được mẹ Gil dúi vào phút cuối trước khi đi, ba ổ bành mì, hai chai nước suối, một em ukulele, và ba tâm hồn treo ngược cành cây.
Lúc ba đứa lúi cúi dựng lều nhóm củi, mấy anh chị chơi trên đồi trên đường đi xuống cứ nhìn chằm chằm, có anh còn dọa con gái cắm trại trên này nguy hiểm lắm đó, xuống đi. Mình kiểu hơi bị chai tai và miễn nhiễm với những trường hợp kiểu này, liền quay lại trấn an ngay nàng thơ và Gil, bảo ta có dao đây rồi, yên tâm, trong khi thật sự Uyên cũng chẳng biết Uyên sẽ làm gì khi bị bọn xấu lại hỏi thăm với con dao tám chục năm không dùng đến đấy.
Trong tất cả những lần cắm trại, lên rừng xuống biển, đêm đó dễ dàng là đêm đáng nhớ nhất đời, vì sao? Vì trên đầu Uyên là cả một bầu trời trong vắt đầy trăng, vì xung quanh Uyên chỉ còn những ngọn đồi bát ngát dù mắt Uyên đã nhòe đi vì khói, vì những miếng thịt nướng nửa sống nửa chín vì đói quá chẳng thể nào đợi đến khi chín tới, vì bên cạnh Uyên có hai cô nàng xinh đẹp với giọng ca tình như cái bình, tình tới nỗi không dám ngủ vì sợ lỡ mất dù là một giây nghe hát.
Đêm đó đã mưa tầm tã, đêm đó mệt mỏi vì phải thức dậy giữa đêm chỉ vì sợ vãi linh hồn khi nghe thấy tiếng động lạ, nhưng thật sự đó là những gì Uyên muốn xảy đến trong một đêm như thế, để có thể có đủ tất cả cảm xúc cho một đêm đáng nhớ như vậy.
Một điều mà những người thường đi cắm trại vẫn luôn muốn tìm kiếm, đó là cảm giác thức dậy vào buổi sáng, mở cửa lều ra, hít hà và thu vào tầm mắt những gì đẹp nhất. Đồng Cao cho Uyên được tất cả những điều đó.
Uyên lại tiếp tục đánh rơi một ít tim để lại cho Bắc Giang, đánh một cái hẹn xa xôi, quay trở lại nhận làm người nhà dài hạn. Còn bây giờ, Đông Bắc lại tiếp tục vẫy gọi Uyên, thúc giục Uyên kết thúc hành trình trong vòng vỏn vẹn chưa đầy một tuần nữa, để Uyên lại phải vương vấn vấn vương, để Uyên đến với nơi Uyên mong mỏi nhất hành trình, điểm tận cùng phía bắc đất nước: Hà Giang.