“Call me by your name” – Hơn cả một chuyện tình đồng giới
Cứ như một bản tình ca lạ lùng, Call me by your name nhẹ nhàng len lỏi, ám ảnh lấy Uyên suốt quãng thời gian từ lần đầu tiên xem bộ phim. Uyên đi ngược lại với nguyên tắc phim truyện, xem phim trước rồi mới vớ lấy sách đọc ngấu nghiến. Cả truyện và phim đều làm Uyên thẫn thờ thổn thức, mắc kẹt trong mớ cảm xúc khó tả thành lời của nhân vật, và cả của Uyên.
Đẹp đến nghẹt thở! Đó là tất cả những gì Uyên có thể miêu tả về tác phẩm tuyệt vời này của André Aciman – tác giả đặt bút viết nên câu chuyện của Call me by your name, và Luca Guadagnino, người phù phép đem câu chuyện lên màn ảnh bằng con mắt tinh tế và nghệ thuật của ông.

Call me by your name kể về câu chuyện tình giữa Elio – một cậu thanh niên 17 tuổi, ngây ngô, vô tư, tâm hồn mong manh dễ vỡ và Oliver – một chàng sinh viên 24 tuổi , cứng cỏi, thông minh, lý trí.
Oliver và Elio gặp nhau gói gọn trong 6 tháng hè ở miền Bắc nước Ý, và chỉ thực sự tìm thấy nhau trong 3 tháng còn lại cuối cùng của mùa hè năm ấy.
James Ivory, người thổi hồn vào kịch bản chuyển thể Call me by your name từ tiểu thuyết cùng tên của André Aciman, là một đạo diễn, nhà biên kịch nhà sản xuất của điện ảnh Hollywood những năm 80 cùng bộ hai Ismail Merchant và Ruth Prawer Jhabvala, những người tạo nên hãng phim Merchant Ivory Productions danh tiếng một thời. Những tác phẩm điện ảnh của ông luôn mang hơi hướng hoài cổ, lãng mạn, dạt dào cảm xúc. Bối cảnh của phim luôn mang nét mộc mạc giản dị của những làng quê Châu Âu, điều mà chúng ta có thể thấy rất rõ ở Call Me By Your Name.
Nếu James Ivory là người đem đến nét đẹp nghệ thuật cho bộ phim, thì Luca Guadagnino là người đem tâm hồn tô điểm cho nét đẹp hình thể đó của James. Call Me By Your Name được coi như là phần cuối cùng khép lại bộ ba phim tiếp sau I Am Love (2010) và A Bigger Splash (2015) của Luca, một kết thúc buồn, hụt hẫng nhưng đầy xúc cảm, vương vấn.
Elio, Oliver dường như là hai thế giới đối lập nhau. Hai người là hai bức tranh hoàn toàn khác. Thế nhưng bằng một cách nào đó, họ lại tìm thấy lỗi rẽ thâm nhập vào thế giới của nhau, để từ đó mắc kẹt mãi mãi trong tận sâu tâm hồn nhau.
Thứ tình cảm của Oliver và Elio dành cho nhau giống như một sự thử thách. Bởi sự khác biệt và định kiến xã hội là những gì khiến hai tâm hồn đồng điệu này phải mất quá lâu để có thể dũng cảm đối mặt với cảm xúc của chính mình.

Câu chuyện của Oliver và Elio khiến Uyên nhớ đến Ennis del Mar và Jack Twist trong Brokeback Mountain, và chắc hẳn những ai đã từng xem bộ phim này, khi xem Call Me By Your Name đều sẽ liên tưởng và kết nối sự tương đồng của hai tác phẩm. Rất khó để có thể diễn tả từng tầng lớp cảm xúc của một mối tình như thế này. Bồng bột có, hoang dại có, trần trụi có, hưng phấn có, mãnh liệt có. Cả sự mong manh, e dè len lỏi giữa những nhân vật cũng thể hiện rất rõ, đặc biệt trong những tác phẩm về đề tài đồng tính.
Những người như Oliver, Elio, Ennis, Jack, họ đều là những kẻ có tâm hồn nhạy cảm, họ luôn kiếm tìm cái đẹp, cái cảm xúc ở những điều tưởng chừng như nhỏ bé. Bất chấp tất cả những chuẩn mực được đưa ra từ xã hội, bỏ qua một bên cái tôi to lớn, họ hướng tới cái cảm xúc chân thật, cái đẹp ở một tâm hồn đồng điệu với chính họ, để tiến tới một điều duy nhất: tình yêu.
Hai tháng có thể không phải là một quãng thời gian dài và đủ để một mối tình trở thành cái gọi là tình yêu. Nhưng tình yêu thì chẳng bao giờ có định nghĩa nhất định, không giới hạn, không đóng khung, không có đúng sai, trái phải. Oliver và Elio cũng vậy. họ yêu nhau bằng một cách tự nhiên nhất, trân trọng những gì đang có ở hiện tại, và sống trọn từng khoảnh khắc của cái thời gian đẹp đẽ bên nhau.

“Này, con có một tình bạn đẹp. Có lẽ hơn cả tình bạn, Cha ghen tị với con. Ở địa vị của cha, hầu hết các bậc phụ huynh sẽ mong toàn bộ chuyện đó biến đi hoặc cầu nguyện rằng con trai họ vượt qua cho chóng. Nhưng cha không phải là một vị phụ huynh như thế. Ở địa vị con nếu có nỗi đau hãy nuôi dưỡng nó, và nếu ngọn lửa bùng lên, đừng dập tắt nó, đừng tàn bạo với nó.
Sự rút lui có thể là thứ kinh khủng khi nó khiến ta tỉnh thức vào ban đêm, và khi những kẻ khác quên ta đi nhanh hơn ý muốn của ta. Ta hy sinh bản thân quá nhiều để được chữa lành nhanh chóng, thế nên đến năm ba mươi tuổi ta đã cạn kiệt, chả còn gì để trao đi mỗi khi bắt đầu với một người mới. Nhưng chuyện không cảm nhận một điều gì hết để tránh cảm nhận một điều cụ thể, thật là lãng phí!”.
Đây là những lời mà cha của Elio (trong phim do Michael Stuhlbarg thủ vai) nói với Elio sau khi Oliver rời khỏi Ý để trở về Mỹ. Không đơn thuần chỉ là những lời nói vu vơ, an ủi, đây là tiếng lòng của của một người cha, nói thay cho những con người như Elio, Oliver.
Mỗi người đều chỉ có một cuộc đời để sống, để yêu, để ghét, để đau đớn, để cảm nhận, chẳng có ý nghĩa gì nếu một người phải kìm nén và quên đi cảm xúc hay chính bản thân mình để thỏa mãn những chuẩn mực của xã hội. Dù biết sẽ có những lúc những cảm xúc ấy qua đi, sẽ là những dằn vặt, đau khổ, tự vấn, nhưng điều quan trọng nhất, là ta đã yêu, đã thực sự sống với chính mình trong khoảnh khắc ấy.
I’m just like you, I remember everything
ANH GIỐNG EM, ANH NHỚ TẤT CẢ MỌI THỨ.



Oliver và Elio đã không còn ở trong cuộc đời của nhau, sau một mùa hè ngắn ngủi tưởng chừng như kéo dài mãi mãi. Nhưng những gì mà hai người đã có, sẽ vẫn nằm lại đó. Bất biến. Trường tồn.
Tìm đọc “Call me by your name”
MỘT SỐ FUN FACTS VỀ CALL ME BY YOUR NAME TRÊN KÊNH motthegioi.vn