Đã 3 tháng kể từ ngày mình đặt tay xuống viết bài blog gần đây nhất. 3 tháng không ý tưởng, không hứng thú, không hào hứng để nghĩ tiếp nên làm gì với cuốn Bujo (và cả blog ) của mình. 3 tháng đó mình cạn kiệt năng lượng.
Nếu nhìn theo xu hướng của những kẻ làm sáng tạo, họ sẽ gọi đó là burnout – một hội chứng không có thật được khoác lên một cái tên nghe “có-vẻ-nguy-hiểm” của giai đoạn đầu óc bị đóng băng và bị hút cạn ý tưởng.
Nhưng rốt cục thì, hội chứng ấy ở đâu mà ra? Lười. Hết tiền. Bận lo toan. Bận gánh trách nhiệm. Bận xoay sở sống qua ngày. Bận buông xuôi. Bận dễ thỏa mãn. Bận bất cần. Bận viện cớ. Bận viện cớ đủ thứ.
Viết đến đây, có thể những bộ óc phản biện xuất chúng sẽ bắt đầu hoạt động. Có thể bắt đầu bằng một vài ý như sau:
- Có nhiều người không có tiền, không có điều kiện người ta vẫn sáng tạo được mà?
- Cảm hứng, ý tưởng bộ không nảy ra trong những lúc khó khăn nhất ư?
Mình hoàn toàn đồng ý với những phản biện trên. Nhưng tóm lại, ngoài những lý do cho hội chứng burnout mình đã nêu trên, thì bạn có lý do nào tốt hơn để bật lại không? Mình mong là bạn có. Bởi vì mình chỉ thấy từng đó lý do luẩn quẩn thành một vòng lặp mà thôi.
Nói rông dài, rốt cuộc thì khi cạn ý tưởng Bullet Journal, bạn nên làm gì?

1. Đừng gán cho nó bất kỳ một ý tưởng nào!
Hãy quay lại nhìn nhận bản chất thực sự của một cuốn Bullet Journal. Nó sinh ra để làm gì? Ghi chép, sắp xếp công việc, là nơi bạn gom suy nghĩ và nhiệm vụ lại một cách hợp lý và khoa học, từ đó khiến cuộc sống gọn gàng và năng suất công việc gia tăng.
Vậy cớ gì phải bỏ ra hàng tiếng đồng hồ ngồi nghĩ ý tưởng Bullet Journal một cách sâu xa?
Bây giờ là cuối tháng 05, chuẩn bị đến tháng 06. Làm gì cho Bullet Journal tháng 06 bây giờ? Dễ lắm. Bước đầu tiên: Đừng nghĩ nhiều. Viết thôi.
Đặt bút xuống. Nhẹ nhàng viết tựa đề thật rõ ràng và gọn gàng: “Tháng 06”, hoặc “June”.

Sau đó từ tốn đánh số từ 1 đến 30 kèm ngày thứ cụ thể bên cạnh. Ngựa hơn sau khi đánh số xong, vẽ một nét thẳng tưng từ trên xuống để ngăn cách giữa số và chữ cho dễ nhìn. Xong một cái Lịch theo dõi tháng.

Trang thứ hai. Nhẹ nhàng viết tựa đề cho tuần đầu tiên với ngày tháng cụ thể. Sau đó viết tiếp tựa đề cho ngày đầu tiên của tuần. Xong một cái lịch theo dõi tuần/ngày.

Về cơ bản, thì bạn đã hoàn thành xong một lịch theo dõi công việc tương đối hoàn chỉnh cho Bullet Journal. Đỡ stress hơn chưa?
2. Dành ra một/nhiều trang giấy trắng ở giữa
Để chi? Để tự do viết ra ý tưởng cho Bullet Journal mà không cần nắn nót!
Những trang này sau khi được lấp đầy bằng những nét chữ nguệch ngoạc và những ý tưởng siêu nhiên bất chợt, bạn sẽ ngạc nhiên vì khi mở ra nhìn lại, nó vô tình trở thành những trang giấy đầy cảm hứng hơn bao giờ hết. Nếu có thể so sánh, nó khá giống như những bức tranh phong cách vẩy cọ và sơn điên cuồng hỗn loạn trị giá hàng triệu đô của cơ số họa sĩ mà bạn vẫn hay thấy đấy 🙂
*Nên nhớ, nguệch ngoạc thì chữ vẫn nên giữa tính đẹp của nó. Nhớ luyện chữ hằng ngày với Lettering Practice Sheet của mình ở đây nghen!

3. Hãy xem Bullet Journal đơn thuần chỉ là một cuốn sổ ghi chép.
Để chi? Để bạn không còn thần thánh hóa nó lên và kỳ vọng quá nhiều.
Dù viết về Bullet Journal nhiều, nhưng chắc mình chưa viết một bài nào với kiểu tựa đề như “Bullet Journal đã thay đổi cuộc đời mình như thế nào?”. Nah, viết vậy thì kinh lắm.
Vì thực sự nó chẳng thay đổi cuộc đời mình, nó chỉ là thứ giúp cuộc sống của mình tốt hơn.
Và để không phải bỗng dưng một ngày đẹp trời bạn ngồi suy nghĩ “Bullet Journal cũng có khác cái vẹo gì với các phương pháp ghi chép khác đâu? Chỉ tốn thời gian!”. Thì hãy tập coi nó THỰC SỰ chỉ là một cuốn sổ ghi chép bình thường mỗi ngày.
Ý tưởng, suy nghĩ, công việc, nhiệm vụ,…đi ra từ óc bạn, thể hiện qua những con chữ nằm yên trên sổ và từ đó giúp bạn nhớ lại, sắp xếp và thực hiện chúng. Không hơn không kém.
Thế nên, hãy xem đó là một cuốn sổ thông thường với một phương pháp có logic và khoa học. Đừng cố tô vẽ cho nó thêm nhiều chức năng và “màu sắc lòe loẹt” để nó trông “thần thánh” hơn.

4. Dẹp Bullet Journal một thời gian
Lời khuyên này nghe có vẻ hơi trắc trở. Dẹp Bullet Journal đi thì bài viết này có ý nghĩa gì? Thực ra là có. Mình đã từng dẹp nó đi một thời gian, kiểu như cai không bỏ ớt vào thức ăn hằng ngày.
Cuối cùng mình nhận ra rằng, mình đã quen với sự hiện diện của nó trong cuộc sống. Và việc dẹp nó đi một thời gian, làm mình thấy thiếu thốn, ngứa ngáy, xáo trộn và nhạt nhẽo.
Và đến lúc mình chịu không nổi nữa, mình đem nó quay trở lại cuộc sống thường nhật, thì đột nhiên mình cảm thấy trân trọng nó hơn bình thường. Từ đó dành hết chất xám và lòng nhiệt thành để sắp xếp lại cuộc đời ở trong đó.
Lời khuyên này ít nhất hiệu quả đối với mình (một cách mạnh mẽ). Bạn cứ thử xem 😀

2 bình luận